Nếu không tạo ra được các sản phẩm công nghệ do người Việt làm chủ, không thoát được phận gia công, Việt Nam chỉ nhận được phần giá trị gia tăng ít ỏi. Thậm chí, trở thành "bãi chiến trường" của sản phẩm ngoại.

Làm chủ công nghệ, không dựa vào nước ngoài

Năm 2017, sau nhiều năm nghiên cứu, Tập đoàn Viettel chính thức thay thế hệ thống tính cước viễn thông ngoại nhập bằng hệ thống do chính “người Viettel” làm chủ. Đó là hệ thống tính cước thời gian thực (vOCS) - sản phẩm Make in Vietnam.

Tại thời điểm đó, không ít người hoài nghi về chất lượng sản phẩm công nghệ cao do người Việt tạo ra. Tuy nhiên sau hai năm triển khai, vOCS đã có 170 triệu khách hàng trên toàn bộ 11 quốc gia mà Viettel đang đầu tư, đáp ứng mọi nhu cầu phức tạp nhất của nhà mạng lớn nhất Việt Nam này.

Ít ai biết rằng, nhóm nghiên cứu trực tiếp làm ra sản phẩm ấy chỉ gồm khoảng 20 người và phần lớn ở độ tuổi ngoài đôi mươi.

Ông Nguyễn Đức Hải – Giám đốc Dự án vOCS là 1 trong những thành viên đầu tiên của nhóm nghiên cứu, khởi xướng vào năm 2011.

Ban đầu, số thành viên nhóm nghiên cứu chỉ 3-4 người. Đến 2012 nâng lên 20 người. Sau khi thử nghiệm với 100 nghìn thuê bao, năm 2013 nhóm đưa ra sản phẩm dành cho 3 triệu thuê bao. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của Viettel lúc bấy giờ khi số lượng khách hàng của nhà mạng này đã đạt hàng chục triệu thuê bao. Với quyết tâm “không phải nghiên cứu cho biết”, Viettel tiếp tục đầu tư cho vOCS với mục tiêu sẽ sớm làm chủ được hệ thống này mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp ngoại nào.

Make in Vietnam: Gia công chỉ kiếm sống, giàu có phải làm chủ công nghệ-1

Các kỹ sư của dự án vOCS

Sau nhiều năm tiếp tục nghiên cứu, năm 2017 dự án thành công. vOCS nhận giải Vàng Kinh doanh Quốc tế International Business Stevie Awards (IBA) 2018. Đại diện Viettel cho biết:  với tính năng tương đương với các sản phẩm cùng loại trên thế giới, cùng với giá thành cạnh tranh, vOCS sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu của các nhà mạng viễn thông trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, vOCS được xây dựng trên hệ thống phần cứng tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ dữ liệu hướng đối tượng trên mô hình bộ nhớ IMDG tạo ra khả năng mở rộng hệ thống lên tới hàng tỷ thuê bao, sẵn sàng hỗ trợ cho các dịch vụ 5G, IoT, kết hợp với tính năng khác biệt là khả năng cá thể hóa, có thể cung cấp tới mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt.

“Với công nghệ như trên, vOCS sẽ không chỉ là sản phẩm tính cước cho viễn thông, mà còn có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác như tính cước điện, giao thông (thu phí trạm không dừng)…”, đại diện Viettel chia sẻ.

Điều này cho thấy, người Việt, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ ngang tầm thế giới.

Nhắc lại những chặng đường đã qua, về một sản phảm công nghệ được chính kỹ sư Việt làm ra, ông Nguyễn Đức Hải nói: Công nghệ càng ngày càng tiến triển, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ai làm chủ được công nghệ người đó nắm được lợi thế. Nếu không làm chủ được công nghệ, cơ bản chúng ta sẽ phụ thuộc hết vào họ. Khi cần cải tiến gì, cần thay đổi gì chúng ta không được quyền tự quyết, thậm chí bị họ ép về thời gian và tiền bạc.

Gia công thì không giàu được, quốc gia không có vị thế

“Làm chủ công nghệ thì quốc gia cũng có tên tuổi”, ông Nguyễn Đức Hải trả lời câu hỏi Việt Nam ra sao nếu chỉ mãi ở phận gia công, không có những sản phẩm “make in Vietnam”.

Ông Nguyễn Đức Hải tâm sự: “Nếu chỉ gia công thì đối tác thiết kế rồi, sản phẩm đứng tên người ta, không phải đứng tên mình. Làm thế mãi mình chỉ là thợ giỏi, không có vị trí gì trên bản đồ công nghệ”. Bởi lẽ, khi làm gia công, đối tác yêu cầu gì mình làm đó, không tự thiết kế hay sáng tạo cái gì mới mẻ.

Trong cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Minh Quý, CEO Tập đoàn Internet Novaon cũng đã đưa ra nhiều vấn đề trăn trở nếu Việt Nam không vượt lên được “kiếp gia công”.

Khi đó, Việt Nam sẽ là “bãi chiến trường” để Google, Facebook… “xâu xé”. Vai trò Việt Nam ở đâu là câu hỏi cần phải trả lời.

Make in Vietnam: Gia công chỉ kiếm sống, giàu có phải làm chủ công nghệ-2

Làm chủ công nghệ là nhiệm vụ không thể trì hoãn

Dù rằng với Google, Facebook… người Việt, doanh nghiệp Việt cũng có nhiều lợi ích. Đó là có thêm công cụ marketing giới thiệu sản phẩm hiệu quả, kết nối bạn bè khắp 5 châu, thu thập kiến thức từ trên thế giới. Các công ty vệ tinh ở Việt Nam cũng được đào tạo, học hỏi từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, ông Nguyễn Minh Quý cho rằng: Nếu giai đoạn gia công cứ kéo dài mãi, chúng ta chỉ chiếm được phần rất bé trong chuỗi giá trị. Chiếc iPhone bán giá 1.000 USD, nhưng phần giá trị lại chỉ tập trung ở giai đoạn đầu (tìm hiểu người sử dụng, nghien cứu, xác định nhu cầu, thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu) và khâu cuối (đưa vào thị trường phân phối, marketing). Còn giai đoạn làm ra chiếc điện thoại thì chiếm phần giá trị rất nhỏ bé.

“Cứ làm mãi như vậy thì chúng ta không tăng vị thế lên được”, ông Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh.

Nhắc đến tấm gương Trung Quốc, CEO của Novaon cho rằng: Trung Quốc là công xưởng số 1 thế giới, họ cũng đã phải chuyển đổi rồi. Nếu họ cứ dựa mãi vào việc gia công thì khó bứt lên được. Giá nhân công Trung Quốc cao hơn Việt Nam nhiều. Giá nhân công Việt Nam dần dần sẽ cao hơn Bangladesh, Srilanka, Myanmar. Doanh nghiệp đến Việt Nam rồi họ sẽ ra đi. Khi họ ra đi mà mình không chuyển đổi xong thì mình thất bại. Mình chỉ được hưởng phần công ăn việc làm thôi, còn lại không được gì.

“Trung Quốc làm rất tốt việc đó. Từ việc gia công, vài chục năm sau họ đã có Xiaomi, có Baidu, Huawei và nhiều tập đoàn lớn khác”, ông Nguyễn Minh Quý chia sẻ.

Vậy nên, theo CEO Novaon, chúng ta phải đặt vấn đề nghiêm túc: Nếu không thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu và thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu?

Đúc kết lại, ông Nguyễn Minh Quý khẳng định: Chúng ta không giàu bằng gia công được đâu, chắc chắn luôn. Gia công chỉ kiếm được tiền nhưng không bao giờ giàu được, chỉ khá thôi”.

Make in Vietnam: Gia công chỉ kiếm sống, giàu có phải làm chủ công nghệ-3
 

Lương Bằng

Thách thức công nghệ số Make in Vietnam

Thách thức công nghệ số Make in Vietnam

Chương trình giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong “Ngày thứ Sáu công nghệ” đã được làm mới với tên gọi “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam”. Số đầu tiên sẽ diễn ra ngày 9/4.