Nhân kỉ niệm 50 năm ngày nhập ngũ của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp, nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại nhận xét: “Lê Doãn Hợp là 1 con người: thông minh, dí dỏm, khúc chiết và tình nghĩa”.
Như bao thanh niên khác cùng thời, chàng trai trẻ Lê Doãn Hợp nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã nhập ngũ ngày 26/12/1967, khi chưa tròn 17 tuổi đang học dở cấp 3, rời xa quê nhà Nghi Liên, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau gần 3 tháng huấn luyện ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa, ngày 18/3/1968, 516 chiến sỹ quê hương Nghi Lộc thuộc Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 22 - Quân khu 4 lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi hành quân qua đồi Yên Ngựa thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cả hàng quân đều quay mặt về hướng đông, nơi đó là quê nhà Nghi Lộc, vội vã bỏ mũ vẫy chào tạm biệt...
Lúc đó anh nghĩ, sẽ có người không trở về, vì chiến tranh đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nhưng không ai nghĩ rằng kết thúc chiến tranh, số người hy sinh lại đông đến thế. Phần lớn bạn bè, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường. Số người may mắn trở về quê hương chỉ còn 2 trung đội trên 9 trung đội của cả tiểu đoàn lúc ra đi.
Tháng 4 năm 1968, tiểu đoàn 10 vào Quảng Trị mở đường cho xe tăng vào giải phóng Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Đơn vị bị bao vây suốt hơn 10 ngày không có lương thực và thực phẩm, phải sống bằng mít non chấm với than cỏ tranh có chút mặn chát thay muối. Lúc này mới thấu hiểu: Thức ăn quý giá nhất trên đời là muối.
Mùa mưa năm 1969, đơn vị đang đứng chân ở chiến khu Đ (Đồng Nai). Khi được cấp trên thông báo căn cứ đóng quân bị lộ. Tất cả đều phải di chuyển để bảo toàn lực lượng. Mỗi đơn vị, phân công một chiến sỹ ở lại để quản lý quân tư trang vì không thể đưa hết, chờ hôm sau đơn vị trở lại vận chuyển tiếp. Một mình ở lại căn cứ vắng vẻ đến dễ sợ. Đêm không tài nào ngủ được, ở trong hầm thì sợ hổ và rắn, lên khỏi hầm thì sợ pháo bầy, trèo lên cây lại sợ ngủ quên rơi xuống đất. Chỉ ăn lương khô, uống nước suối, nóng lòng chờ đồng đội. Đến lúc này mới hiểu rằng: Điều đáng sợ nhất trên đời là "Cô Đơn".
Từ năm 1969 đến năm 1972 chiến sỹ Lê Doãn Hợp may mắn được sống và làm việc với ông Nguyễn Lở, quê Quảng Bình, Phó ban Tuyên huấn sư đoàn 5. Ông là một người năng động, nghiêm túc, có kỷ luật, am hiểu lý luận và giàu thực tế. Với lính trẻ, ông rất chú ý đào tạo bồi dưỡng. Ông đặt ra hàng loạt sự vật xung quanh mình bắt các chiến sỹ định nghĩa. Theo ông, định nghĩa là cách tiếp cận gần nhất với bản chất sự vật, sẽ giúp con người nói ngắn gọn và sát nghĩa hơn, ai nói ngắn và đúng được thưởng, phần thưởng chỉ là một chiếc kẹo hoặc điếu thuốc lá, và thế là hàng ngàn sự vật đang tồn tại xung quanh mình được ông đặt ra bắt chiến sỹ tìm khái niệm. Mỗi lần về T.Ư Cục họp ông lại mang về hàng chục quyển sách bắt cánh lính trẻ đọc và viết thu hoạch, yêu cầu 100 trang sách được viết thu hoạch bằng 1 trang mà đủ các tiêu chí: Giá trị tư tưởng, hạn chế tác phẩm, tính cách các nhân vật chính, dự đoán tâm lý tác giả... Ai viết thu hoạch ngắn và sâu sắc nhất sẽ được thưởng. Lính tráng suốt ngày chỉ lo đối phó với ông Nguyễn Lở. Những ngày ông đi công tác mọi người đều reo lên vui sướng vì đầu óc được thảnh thơi. Thế nhưng khi ông được cấp trên điều về Ban Tuyên huấn Miền, lúc đó mọi người mới hiểu ra rằng, chúng ta đã mất một người thầy bình dị mà vô giá. Một năm sống với ông tất cả đều khôn lớn, trưởng thành bằng nhiều năm so với môi trường khác. Tất cả những gì cựu binh Lê Doãn Hợp có hôm nay có một phần công lao đào tạo của những người đi trước, trong đó có ông Nguyễn Lở, Phó ban Tuyên huấn sư đoàn 5.
Chiến sỹ trẻ Lê Doãn Hợp ở giữa hàng đầu cùng các chiến sỹ Ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 |
Trong chiến đấu gian khổ anh vẫn lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, anh kiên trì ghi chép làm thơ sau mỗi cuộc hành quân hay những lúc nhàn rỗi để có 2 tập Nhật ký bằng thơ “Tháng năm còn mãi” và “Cung đường hạnh phúc”
“Anh về Đồng Tháp quê em
Mênh mông biển nước, bầu sen che người
Cây Tràm rắn quấn trong ngoài
Chuột ngồi ụ mối, ngắm trời, nhìn sao
Ngày ngâm nước, tối bờ ao
Trực thăng, tàu chiến, gầm gào ngày đêm
Ăn tối pháo sáng thay đèn
Bữa cơm ngồi bệt, ngắm sen khoe mình
Trăng nằm đáy nước lung linh
Đất trời, lính trẻ, trữ tình nước non”
Người lính luôn có mặt ở tuyến đầu gian khổ ác liệt vẫn có những giấc mơ đầy lãnh mạn và vì thế anh có nhiều bài thơ tình "Vừa đủ để yêu thương". Tình yêu người lính luôn giữ mình trong giới hạn:
"Có một chút lãng mạn
Để mà nhớ mà mong
Có đôi điều bí mật
Để giấu kín trong lòng
Làm sao ta hiểu nổi
Góc tâm hồn mênh mông”...
..."Sáu câu vọng cổ làm quà
Hương sen trộn lẫn lời ca mủi lòng"
Tham gia quân ngũ từ cuối năm 1967, vào chiến trường từ đầu năm Mậu Thân (1968) cho đến khi kết thúc chiến tranh, Lê Doãn Hợp cho rằng mình may mắn khi có mặt ở Sài Gòn trong giờ toàn thắng. Chiến tranh đã đi qua 42 năm nhưng những kỷ vật luôn được anh nâng niu, gìn giữ. Bức ảnh chụp chung cùng đồng đội có 8 người thì 6 người đã mất ở chiến trường Tây Ninh thủa nào đã hoen ố theo thời gian được anh treo trang trọng ở nhà cũng như nơi làm việc. Anh trân trọng giây phút đó cũng như trân trọng đồng đội của mình, bởi những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ là thế hệ "vàng' của Quân đội NDVN. Anh đã tổng kết là thế hệ 5 nhất; “Chiến đấu gian khổ, hy sinh ác liệt nhất; Tình người đẹp nhất; Tình cảm quốc tế trong sáng nhất; Trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc cao nhất và hưởng thụ thấp nhất”.
Đã quá nửa đời người liên tục phấn đấu anh được Đảng, Nhà nước QĐND trao tặng huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3; Huân chương Độc lập hạng 2; Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng 3; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy hiệu tham gia chiến dịch HCM (1975); Danh hiệu 45 năm tuổi Đảng (2015) và nhiều Bằng khen Dũng sỹ và Huy chương các loại. Anh cho rằng mình là người may mắn và tin rằng hương hồn bao đồng đội đã phù hộ, độ trì cho mình nhiều lắm.
Xuất ngũ trở về quê hương
Sau giải phóng miền Nam, anh lại được quân đội cử đi học ở Liên Xô (cũ) nhưng anh muốn tiếp tục hoàn thiện những kiến thức dang dở, học kinh tế để xây dựng đất nước và chăm lo cho gia đình. Ông Bạch Đình Chu, người đồng hương quê Yên Thành là thủ trưởng trực tiếp hiểu hoàn cảnh của Anh nên đã đề xuất cho anh chuyển ngành về địa phương. Cơ quan đầu tiên là Sở xây dựng Nghệ Tĩnh đón nhận và anh được bố trí làm nhân viên Phòng Tổ chức cán bộ rồi Phó phòng, Trưởng phòng. Sau đó Ban cán sự Đảng Sở Xây dựng đã đưa anh vào diện quy hoạch Lãnh đạo Sở và cử đi học lớp Quản lý đô thị ở Liên Xô (cũ). Ra trường anh được Tỉnh ủy Nghệ An phân công về thành phố Vinh làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Nghệ An tháng 3/1994, anh được bầu vào Ban Thường vụ tỉnh ủy và được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo, rồi Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, tham gia 2 khóa T.Ư ( khóa 9 và 10) 2 khóa Quốc hội (XI và XII).
Trong lãnh đạo chỉ đạo, anh là người hay đúc kết, dồn nén con chữ để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, đúng thì làm bằng được, không lùi bước. Lăn lộn với thực tiễn đến với bà con từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ cấp xã gần dân nhất cho đến T.Ư
Với cương vị Chủ tịch Tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Anh đã khái quát: "Làm Chủ tịch là làm 3 chữ C: chính sách, công trình, cải cách hành chính. Làm Bí thư lại 3 chữ C khác: chủ trương, cơ chế, cán bộ. Làm cán bộ chủ trì là thực thi 3 chữ chủ: chủ thuyết rõ, chủ kiến nhanh, chủ động cao" Từ thực tiễn Anh đã xuất bản 2 tập sách là " Lê Doãn Hợp 100 điều đúc rút từ thực tiễn" và “Dấu ấn thời gian”.
Ra thủ đô
Được Bộ Chính trị điều động ra Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư nay là Ban Tuyên giáo T.Ư nhận nhiệm vụ Phó Ban rồi Phó Ban thường trực khi vừa làm quen với công việc, thì tháng 7/2006 anh lại được Quốc hội bầu và phê chuẩn vào cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Tháng 8/2007 giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cương vị Bộ trưởng, anh đã cùng các cộng sự làm được nhiều việc lớn có dấu ấn.
- Trình và được Thủ tướng CP phê duyệt đề án "Sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT và TT".
- Xây dựng và bảo vệ thành công trước CP - QH chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở.
- Trưởng ban soạn thảo trình QH thông qua 4 dự án luật chuyên ngành: Luật Xuất bản (sửa đổi), luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, luật Bưu chính và nhiều văn bản dưới luật.
- Bảo vệ và thông qua Thường trực CP "Quỹ bù đắp tiền lương”. Là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để giữ và thu hút nhân tài, vì sự phát triển nhanh, sáng tạo, táo bạo và đúng hướng của Ngành Thông tin và Truyền thông..v.v.
- Tập trung đào tạo cán bộ đầu đàn và bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cán bộ quản lý để đưa ngành phát triển nhanh và bền vững trong cơ chế mới.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại dẫn lời Cụ Đặng Thai Mai đã nhận xét về tính cách người xứ Nghệ: "Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến "cá gỗ".
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh một người con của Nghệ An lại khái quát, Người Nghệ có: Một kẻ bình dân khổ chạc (cùng cực); Một con người chữ nghĩa văn chương; một chiến sỹ tiền phong cách mạng".
Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo thì phân tích: "Người xứ Nghệ có thật thà và có ma lanh; có khôn ngoan và có khờ dại; có dũng cảm và có cơ hội; có thẳng thắn và có ngang ngạnh, thậm chí cũng lắm chất gàn. Nhưng nhìn chung, người Nghệ dám làm, dám xả thân, dám sống và dám chết. Tôi yêu cái tính quyết liệt của người Xứ Nghệ.
Lê Doãn Hợp là một con người mang trong mình nhiều tố chất của quê hương xứ Nghệ.
Nhân kỉ niệm 50 năm ngày nhập ngũ của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp (20.12.1967 – 26.12.2017), nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại nhận xét: “Lê Doãn Hợp là 1 con người: thông minh, dí dỏm, khúc chiết và tình nghĩa”.
Ông Lê Doãn Hợp vẫn nhiệt thành làm việc sau khi nghỉ hưu |
Thảnh thơi khi nghỉ hưu
Khi về hưu anh đang làm 5 việc là làm nhà tình nghĩa cho đồng đội, làm sách, làm Truyền thông, làm tâm linh và biết làm "Ngơ" trước những hiện thực không thể khác được. Anh sống theo phương châm: 3 quên, 2 nhớ, 1 có, đó là: Quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên bức xúc; Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình và tiếp tục sống có ích cho bản thân gia đình và xã hội.
Kể từ khi về hưu, Anh đã cùng Ban liên lạc Ban chiến đấu Sư đoàn 5 tổ chức các cuộc gặp mặt đồng đội để tri ân và ôn truyền thống, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các gia đình khó khăn, đến nay đã xây dựng được 52 ngôi nhà "Tình nghĩa" tìm kiếm quy tập được 40 bộ hài cốt của đồng đội đưa về với quê hương gia đình, làm hàng chục sổ tiết kiệm cho các gia đình đồng đội ốm đau, nghèo khó. Xuất bản 5 tập sách “Ký ức Người lính” viết về những người có công và những người đã khuất.
Anh dành thời gian chăm lo cho dòng họ quê hương gia đình, con, cháu vì theo quan niệm của anh gia đình là: "Đơn vị kinh tế cơ sở; đơn vị văn hóa cơ sở và đơn vị an ninh cơ sở, bởi mọi điều tốt đẹp của xã hội đều bắt nguồn từ gia đình. Mọi điều không yên không vui của xã hội cũng xuất phát từ gia đình”. Dù bận đến đâu, các ngày nghỉ Anh cũng cố gắng dành riêng cho gia đình, để đoàn tụ hàn huyên và truyền cảm hứng, kiến thức cho con, cháu.
Trong buổi bàn giao nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son vào ngày 10/8/2011, chia tay với đội ngũ cốt cán Ngành Thông tin và Truyền thông, anh đã nói: Hơn 43 năm liên tục phấn đấu cho Quân đội, cho dân, cho Đảng nay được "Hạ cánh an toàn" về làm đảng viên công dân cơ sở. Tôi xin hứa với đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, gia đình, quê hương, tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội và sự nghiệp đổi mới của Đảng. Để đền đáp công lao của bao đồng đội thân yêu đã nằm lại trên chiến trường; xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"; xứng đáng với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội những nơi tôi đã sống, chiến đấu và công tác.
Nguyễn Công Khang