Dù giới thiệu tổng cộng 4 thiết bị trong sự kiện đêm qua, nhưng thực tế đọng lại trong tất cả chúng ta chắc chỉ có mỗi iPhone X. Sự xuất hiện của iPhone X làm lu mờ tất cả sản phẩm kể cả chiếc điện thoại mà có thể họ sẽ mua trong 1 tháng tới: iPhone 8.
iPhone 8 ra mắt có những điều sau mà người dùng chẳng để ý, hay thậm chí Apple cũng chẳng thèm công bố:
- Có sạc không dây.
- Có sạc nhanh.
- Mặt lưng không còn dải ăng ten chạy ngang xấu xí.
2 trong số 3 vấn đề này có thể làm được bởi 1 thay đổi rất lớn của Apple trên dòng iPhone thế hệ mới. Đó chính là vứt bỏ thiết kế nguyên khối.
Vì sao phải từ bỏ con đường "nguyên khối"?
Nguyên khối là triết lý thiết kế được Apple áp dụng kể từ iPhone 5. Khi toàn bộ thân máy được làm bằng 1 khối nhôm khoét rỗng ở trong, thân máy chỉ còn giống như 1 cái hộp gồm thân và màn hình. Không có khái niệm nắp lưng như ở iPhone 4.
Viết thiết kế sản phẩm nguyên khối này sẽ giúp cảm giác cầm nắm sản phẩm tuyệt vời hơn, loại bỏ cảm giác "phập phồng" khi nắn bóp điện thoại 1 thời gian dài.
Nhưng đó cũng chính là điểm yếu chí mạng khiến các công nghệ phổ biến trên Android không thể xuất hiện trên iPhone.
Đầu tiên là sạc không dây, sạc không dây thực chất là nguyên lý truyền điện cảm ứng thông qua các cuộn dây đặt ở đế sạc và trong điện thoại, yêu cầu đơn giản của công nghệ này đó là giữa 2 cuộn dây không được chắn bởi kim loại do đó iPhone 5 đến iPhone 7 dù muốn Apple cũng không thể làm sạc không dây.
Thứ 2 là vứt bỏ được viền ăng ten xấu xí. Khi iPhone 6 ra mắt, chúng ta không ngừng chê bai đội ngũ thiết kế của Apple vì để một vệt ăng ten chạy loẳng ngoằng trên lưng máy bóng bẩy. Nhưng chẳng mấy ai hiểu rằng, nếu không đặt những việt thoát bằng nhựa đó giữa một khối kim loại kín mít thì iPhone của bạn sẽ chỉ dùng làm iPod mà thôi.
Thế nên cũng chính vì việc từ bỏ thiết kế thân máy nguyên khối mà iPhone 8 có thể tự tin vứt ngay những đường kẻ xấu mù đó đi.
Nhìn lại về cấu tạo của iPhone 8 thì hẳn ai cũng thấy nó đang giống iPhone 4 quá nhiều: Nắp lưng kính, khung viền bằng thép thay vì nhôm dễ bong tróc trầy xước. Tim Cook đã đi một quãng đường dài để rồi cuối cùng lại phải quay về với thiết kế hoàn hảo của Steve Jobs.
Theo GenK