Không còn vật vờ dưới các tán cây hay cột đèn như trước, gái bán dâm vỉa hè bây giờ quay sang sử dụng xe đạp điện hoặc xe máy để lang thang tìm khách. Hoạt động mại dâm kiểu mới này nhằm đối phó với sự truy quét của các cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT, đồng thời cũng là nguồn lây nhiễm các căn bệnh xã hội cho những quý ông… ham của lạ.
“Làm thêm” để kiếm tiền chữa bệnhĐang lưu thông trên đường Lê Duẩn, tôi giật mình bởi tiếng một phụ nữ đi xe máy đang “vít” ga cố bám theo mình - “Này anh, mình đi thư giãn một chút nhé. Em phục vụ chu đáo và an toàn tuyệt đối, giá cũng rất bình dân”. Có lẽ, ánh mắt sững sờ vì bị “gạ tình” trắng trợn giữa chốn đông người của tôi khiến cô gái tưởng rằng khách hàng đã đồng ý. Cô nháy mắt: “Anh cứ đi theo sau em nhé…”.
Gái mại dâm hoạt động lang thang bị lực lượng công an quây quét, lập hồ sơ xử lý. |
Nói rồi chiếc Honda Vision chở người phụ nữ mặt bịt khẩu trang kín mít vọt lên phía trước rẽ vào đường Hồ Ba Mẫu. Vì tò mò, tôi quyết định “nhập cuộc” theo sau cô gái đến một quán nước vỉa hè gần cổng Công viên Thống Nhất và… dừng lại.
Thấy tôi có vẻ ngần ngại, người phụ nữ vòng xe lại hỏi: “Anh không thích tươi mát à?”. Tôi bảo: “Hôm nay anh mệt, chỉ muốn tâm sự. Nhưng em sẽ vẫn có quà”. Dĩ nhiên, cô bạn gái mới quen đồng ý ngay tắp lự. Sau khi người phụ nữ cởi bỏ khẩu trang che mặt, qua những nếp nhăn trên khuôn mặt tôi đoán người này khoảng 45 - 46 tuổi, nhưng vẫn còn những nét sắc sảo của một thời con gái xinh đẹp. Người phụ nữ tự xưng tên là H.
Theo lời kể của H, cô ta hành nghề mại dâm ở Hà Nội đã được vài năm rồi. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở tỉnh Thái Bình, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, H. phải tìm kiếm việc làm phụ giúp gia đình và trót nghe theo một gã đàn ông sở khanh để bị lừa và phải làm tiếp viên cho một số nhà hàng, quán karaoke ở khu vực biên giới phía Bắc để kiếm tiền trả nợ.
Sau khi kiếm được một số vốn bởi nghề buôn phấn, bán hương, H. biết mình mắc chứng bệnh hen suyễn nặng và một số bệnh xã hội khác nên về quê chữa bệnh. Tuy nhiên, do xấu hổ với gia đình, làng xóm, H. ra Hà Nội, mua 1 chiếc xe máy và lang thang tìm khách kiếm tiền nuôi thân.
“Dù biết nghề này rất nhục nhã, nhưng em vẫn làm vì đã trót sa chân rồi. Em cũng phải làm thêm để kiếm tiền nuôi thân và chữa bệnh” - H. tâm sự và cho biết bệnh tình của cô đang ở giai đoạn biến chứng nặng, rất dễ lây nhiễm sang người khác.
Tránh xa tệ nạn xã hội
Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, hoạt động của gái mại dâm hiện nay có nhiều diễn biến mới. Do bị lực lượng công an thường xuyên triệt phá, nhiều ổ nhóm hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm, gái mại dâm hết chỗ nấp đã thay đổi phương thức hoạt động bằng cách dùng xe máy, xe đạp thường và xe đạp điện làm phương tiện di chuyển để mồi chài, câu kéo khách làng chơi ở các khu vực công cộng.
Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng 2 tháng (ngày 16-6 đến 15-8) thực hiện cao điểm tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo ANCT - TTATXH trên địa bàn Thủ đô, các đơn vị CATP và Phòng CSHS đã phối hợp phát hiện, đấu tranh triệt phá 48 ổ và 46 đối tượng chứa chấp, môi giới mại dâm. Lực lượng CATP đã thường xuyên tổ chức quây quét và lập hồ sơ xử lý số đối tượng hoạt động mại dâm tại địa bàn công cộng.
“Công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm được CATP thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt, nhưng tình trạng hoạt động mại dâm lưu động vẫn diễn ra bởi chế tài xử lý hành vi bán dâm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chỉ như bắt cóc bỏ đĩa” - Thượng tá Lê Huy nhận xét và cho biết số đối tượng mua dâm của gái mại dâm lang thang chủ yếu là những người lao động thời vụ ở các tỉnh ra Hà Nội và họ ít tiếp cận với các luồng thông tin tuyên truyền về tác hại của hoạt động mại dâm lang thang, cũng như mối hiểm họa của nó.
Nhằm phòng ngừa những hiểm họa do tình trạng hoạt động mại dâm lang thang gây ra, ngoài công tác nghiệp vụ của lực lượng công an thì việc tuyên truyền để mọi người dân đều nhận thức rõ sự nguy hiểm, tác hại của tệ nạn này cho xã hội, gia đình và cộng đồng là rất quan trọng. Ngay từ mỗi người dân ý thức được trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình, tránh xa những cám dỗ, ham muốn tầm thường, thì đã làm tốt vai trò đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn xã hội.
(Theo An ninh thủ đô)