“Made in China 2025” là gì?
“Made in China” tiết lộ vào tháng 5/2015 với mục tiêu chuyển đổi Trung Quốc “từ gã khổng lồ sản xuất sang cường quốc sản xuất thế giới” vào năm 2049 - đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Chính phủ toàn cầu hỗ trợ tài chính để tiếp sức ngành công nghệ vì nhiều lý do khác nhau. Trung Quốc cũng không ngoại lệ, đặc biệt khi chính sách này liên quan trực tiếp đến mục tiêu dài hạn của Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong việc tạo ra “nhà nước xã hội chủ nghĩa thịnh vượng và hiện đại” năm 2049.
Kế hoạch nhấn mạnh 10 lĩnh vực cần củng cố, từ công nghệ thông tin, robot, xe hơi sử dụng năng lượng mới cho đến công nghệ sinh học, máy móc nông nghiệp, thiết bị vũ trụ, hàng hải, đường sắt. Nó cam kết khuyến khích đổi mới thông qua kết hợp các cách tiếp cận theo định hướng thị trường và quy định của chính phủ.
Mục tiêu của chương trình là biến Trung Quốc thành đối thủ lớn trong sản xuất công nghệ cao, nơi đang bị các nước phát triển như Mỹ thống trị. Cho tới nay, Trung Quốc chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa cơ bản như quần áo, giầy dép, thiết bị điện tử để dẫn dắt tăng trưởng. Quốc gia này đang cạnh tranh với các nước đang phát triển khác như Mexico, Brazil, Nam Phi… Để tránh bẫy thu nhập thấp, Trung Quốc cần chuyển dịch sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đó chính là lúc chiến lược “Made in China” ra đời.
“Made in China 2025” liên quan đến các khoản trợ cấp của chính phủ, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, sáng tạo và đặt ra bài toán cho sản xuất tại địa phương. Kế hoạch cũng căn cứ vào các chính sách trước đó của chính phủ trong khuyến khích hoặc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường trong nước phải thành lập liên doanh hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa.
Doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Theo phân tích của Nikkei dựa trên dữ liệu thu thập được từ công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, những tổ chức hàng đầu được nhận ưu đãi của chính phủ chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ liên quan mật thiết với “Made in China 2025”.
Chẳng hạn, SAIC Motor - nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước - năm 2021 nhận ưu đãi 4,03 tỷ NDT (598 triệu USD), nhiều hơn 31% so với năm trước đó. Ba hãng ô tô khác đều có mặt trong Top 10 bao gồm BYD, Great Wall Motor và Anhui Jianghuai Automobile Group (JAC). Điều đó cho thấy ưu tiên của Bắc Kinh trong nuôi dưỡng hoạt động sản xuất xe hơi sử dụng năng lượng mới trong quá trình chuyển dịch sang điện khí hóa.
BYD, gần đây vượt Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới theo doanh số, nhận được hơn 10 khoản trợ cấp, trong đó có 2 khoản lớn đến từ “các quỹ phát triển công nghiệp”. Great Wall chuyên sản xuất SUV cũng ghi nhận các khoản ưu đãi tăng 73% so với năm 2020. JAC, chủ yếu sản xuất xe thương mại, nhận hơn 20 khoản trợ cấp.
Xếp thứ 11 trong danh sách được trợ cấp nhiều nhất là Contemporary Amperex Technology, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Chongqing Changan Automobiles và Guangzhou Automobile Group nằm trong top 20.
Các doanh nghiệp sản xuất chip và màn hình cũng nhận được ưu đãi. SMIC – biểu tượng số 1 của bán dẫn Trung Quốc và BOE – công ty đứng đầu về sản xuất màn hình trong nước đã quen mặt với Top 10, nhà mạng China Mobile đứng thứ 9 và China Telecom đứng thứ 19 trong năm 2021.
Áp lực tài chính của địa phương
Theo Fitch Ratings, tổng số tiền trợ cấp của chính phủ năm 2021 là 217,02 tỷ NDT, giảm 3,2% so với năm 2020, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2009. Song các chuyên gia tin rằng không có thay đổi trong chính sách ủng hộ các hãng công nghệ của Trung Quốc.
Nó cũng có thể do phương thức thu thập số liệu. Theo Nikkei, có những trường hợp tiền đã được rót nhưng chỉ nằm trong sổ sách cho đến khi được hiện thực hóa, cũng có khi ngân sách địa phương eo hẹp nên không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính. Dù chiến lược được Bắc Kinh vạch ra nhưng một phần lớn ngân sách lại do địa phương chi trả. Bong bóng bất động sản đã lấy đi khoản thu nhập quý giá đến từ việc bán quyền sử dụng đất, trong khi chính sách zero-Covid nghiêm ngặt yêu cầu phân bổ nguồn vốn ít ỏi cho xét nghiệm virus và quy trình liên quan.
Chẳng hạn, công ty sản xuất màn hình LCD CPT Technology Group và hãng sản xuất tấm nền Visionox Technology tiết lộ không nhận được đầy đủ trợ cấp như cam kết. CPT lẽ ra nhận được 2,64 tỷ NDT chia đều cho bốn đợt nhưng chỉ được nhận đủ năm đầu tiên, còn Visionox phải bút toán giảm hơn 20 triệu NDT trợ cấp chính phủ, đồng nghĩa các khoản phải thu đó gần như không thể thu hồi được.
Theo Shinichi Seki, nhà kinh tế học cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, trong các năm tới, chính quyền địa phương sẽ phân biệt đối xử rõ ràng hơn khi rót tiền trợ cấp. Zhang Hongyong đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng dự báo những thay đổi trong phân bổ trợ cấp của chính quyền do thiếu hụt nguồn tiền. Ông cho rằng không còn phong cách trao tay lãng phí nữa mà tiền trợ cấp sẽ gắn liền với mức độ chi cho R&D.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 6, Quốc vụ viện Trung Quốc hướng dẫn chính quyền địa phương duy trì các ưu tiên ngân sách, ngay cả trong điều kiện tài chính hạn chế hiện tại, nhấn mạnh có những chữ cần “củng cố sức mạnh đích đáng”. Cùng với giáo dục, bảo hiểm y tế và xây dựng hạ tầng, “nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ” cũng được nhắc đến, ám chỉ trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghệ vẫn tiếp diễn.