Hiện nay ở Việt Nam, với khoảng 90% giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây nhiều quan ngại như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa phòng, chống dịch bệnh.
Thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt
Bà Lan Anh, nhà ở quận 9, TP.HCM cho biết có thói quen đi chợ truyền thống từ mấy chục năm nay. Khi đã đi chợ truyền thống thì chỉ sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán duy nhất.
“Trước giờ tôi chưa nghe ai nói dùng tiền mặt hay tiền cũ thì tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát mới nghe một số người nói rằng dùng tiền cũ có nguy cơ lây lan dịch bệnh này. Nhưng những người có thói quen đi chợ như chúng tôi nếu không dùng tiền mặt để thanh toán thì rất khó” - bà nói.
Tuy vậy, bà Lan Anh cho hay sẽ giảm bớt việc đi chợ và tìm cách hạn chế tiếp xúc với tiền mặt. Chẳng hạn, trước đây mỗi tuần đi chợ năm lần thì nay giảm xuống còn hai lần; đồng thời tăng cường mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà, thanh toán bằng chuyển khoản.
Chị Thủy Anh, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho hay bình thường chị đã quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh cho cả gia đình chứ không chờ đến khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19 mới hốt hoảng phòng tránh. Ví dụ như 70%-80% nguyên liệu thực phẩm phục vụ cho bữa ăn của gia đình đều mua qua online, thanh toán qua Internet Banking. Nay giữa mùa dịch bệnh, chị càng tăng cường sử dụng thẻ thanh toán, ví điện tử nếu đi mua sắm.
“Tôi cố gắng sử dụng tiền mặt càng ít càng tốt để phòng bệnh. Chẳng hạn, thường xuyên sử dụng các sản phẩm ngân hàng (NH) điện tử như Internet Banking, open banking... để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn mà không phải đến NH. Chưa kể, sử dụng dịch vụ chuyển tiền liên NH của những NH đang áp dụng chính sách miễn phí thì tôi còn chẳng tốn đồng phí dịch vụ nào” - chị Anh nói.
Tán đồng với quan điểm này, nhiều bà nội trợ cũng cho rằng trong quá trình chuyền từ tay người này qua tay người khác, các tờ tiền hoàn toàn không sạch, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, việc chuyển sang các phương thức thanh toán số, thương mại điện tử thay cho việc trao đổi trực tiếp với nhau bằng tiền mặt là cần thiết.
Các ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch online nhằm phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. |
NH Nhà nước mới đây đã yêu cầu NH các tỉnh, TP tính toán đưa tiền mới vào lưu thông để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh. Số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các NH tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp.
Tuy vậy, NH Nhà nước cũng nhấn mạnh phải bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân, đồng thời mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến. Các biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cộng đồng khi sử dụng tiền mặt.
Các ngân hàng đồng loạt vào cuộc
Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19, hàng loạt NH, tổ chức trung gian thanh toán tung ra nhiều giải pháp khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online. Đơn cử Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) chính thức miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công; giảm 70% phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên NH có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống đến hết năm 2020.
Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc Khối NH số MB, cho biết: “Dù khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản trong hay ngoài hệ thống MBBANK trên App MBBank sẽ được miễn phí toàn bộ, bao gồm cả phí duy trì từng tháng lẫn phí chuyển tiền từng lần. Ước tính mỗi năm khách hàng của chúng tôi sẽ tiết kiệm được vài triệu đồng phí giao dịch nhờ chính sách ưu đãi này”.
Tương tự, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NH SCB, cho biết: Hiện NH đang áp dụng chính sách miễn phí thường niên dịch vụ eBanking cho khách hàng cá nhân với mục đích đảm bảo an toàn cho khách hàng trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Theo đó, SCB miễn phí toàn bộ phí SMS Banking nhắn tin thông báo thay đổi số dư tài khoản thanh toán. Đối với khách hàng mở sản phẩm tiền gửi S-Free sẽ được hưởng chính sách miễn phí chuyển tiền liên NH.
Không đứng ngoài cuộc, NH Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa tung ra chương trình ưu đãi hấp dẫn với các gói tài khoản đa năng. Cụ thể, hàng loạt sản phẩm tài khoản thanh toán sẽ được miễn 100% phí chuyển khoản nhanh 24/7 với hạn mức chuyển khoản liên NH lên tới 6 tỉ đồng/ngày; miễn hoàn toàn phí thanh toán các loại hóa đơn điện thoại, điện, nước Internet… qua NH điện tử.
“Khách hàng không cần rời nhà hay cơ quan, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính kết nối Internet cùng vài click chuột, chủ tài khoản vẫn có thể thực hiện các giao dịch chuyển khoản, mua sắm, thanh toán online nhanh gọn, dễ dàng” - đại diện MSB cho biết.
NH Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NH không yêu cầu khách hàng đến giao dịch phải tháo bỏ khẩu trang trước khi vào trụ sở để phòng ngừa dịch COVID-19. Tuy nhiên, các NH vẫn phải tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản trong giao dịch và trong kho tiền; ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gây mất an ninh, an toàn khi giao dịch.
Đối với các giao dịch, hoạt động bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên NH đề nghị khách hàng tạm thời tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng tiếp tục đeo khẩu trang nếu có nhu cầu trong quá trình giao dịch.
NH Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang tiến hành khử trùng và cách ly tiền giấy đã sử dụng như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Cụ thể, các NH sử dụng tia cực tím hoặc nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt, sau đó niêm phong và cất giữ trong 7-14 ngày - tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại một khu vực cụ thể. Sau đó, những tờ tiền này mới được tái luân chuyển ngoài thị trường.
(Theo Pháp luật TP.HCM)