Nhiều chục năm qua, người dân thôn Liên Tiến, xã Ngọc Lương không còn xa lạ với mỏ nước khoáng nóng tồn tại lâu đời. Đối với họ, đây là tặng vật trời cho, là tài sản chung của người dân được truyền từ đời này sang đời khác.
Ông Ba cho hay, từ thời Pháp thuộc, khu vực giữa cánh đồng rộng mênh mông của xã Ngọc Lương xuất hiện một mạch nước đùn lên từ lòng đất. Suốt bốn mùa, quanh năm ngày tháng, mỏ nước bao giờ cũng ấm và không bao giờ cạn.
Ban đầu, mạch nước xuyên qua tầng đá, bào mòn tạo thành tựa như một chiếc giếng tự nhiên. Bà con đi làm đồng về, dừng chân vục nước lên uống luôn. Nước vào đến đâu, người giãn ra, bao nhiêu mệt mỏi trôi tuột đi.
Những ngày mùa đông lạnh giá, nguồn nước ấm áp trở thành “mỏ nước nóng” tự nhiên, già trẻ, trai gái trong làng đổ nhau ra tắm. Lâu dần thành quen, mạch nước nóng tựa như chiếc giếng làng của vùng nông thôn dưới đồng bằng, trở thành nguồn nước sinh hoạt chung của bà con dân bản.
Theo ông Ba, mỏ nước này được “đùn” lên ở độ sâu gần 100m. Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất là xung quanh cánh đồng rộng hàng chục ha của thôn Liên Tiến, chỉ có một điểm duy nhất tại đây có mạch nước lộ thiên, không cần khoan, đào hay dùng máy bơm hút, nước vẫn miệt mài phun lên ngày đêm không ngừng nghỉ.
Xung quanh mạch nước nóng lộ thiên, nhà cửa, cư dân thời điểm hiện tại cư trú vẫn còn khá thưa thớt. Cách mó nước chừng 500m, duy nhất hộ gia đình ông Quách Đình (người Mường), khoan giếng trong khuôn viên đất nhà mình phát hiện được mạch nước nóng tương tự. Nhiều hộ khác cũng làm thử giếng khoan nhưng không hề gặp mạch nước nóng.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương Lê Duy Lương xác nhận, mỏ nước khoáng nóng trời cho ở thôn Liên Tiến đã được người dân sử dụng từ lâu làm nước sinh hoạt, thậm chí làm nước uống trực tiếp, không cần đun sôi.
Trước đó, khi mỏ nước còn tự phun lên ngày đêm, nước khoáng có độ nóng khoảng 40 độ tràn ra, nhưng không ảnh hưởng tới cây cỏ xung quanh. Rau màu canh tác của bà con trồng theo mùa vụ vẫn lên xanh tốt. Nước nóng tràn ra các kênh mương liền kề, cá tôm vẫn sinh trưởng, bơi lội tung tăng…
“Vài ba năm trước, một đoàn cán bộ địa chất đã về thôn Liên Tiến khảo sát, thăm dò trữ lượng sau đó lấy mẫu phân tích các thành phần trong nước. Kết quả cho thấy, đây là nguồn nước khoáng rất có lợi cho sức khoẻ, với nhiều thành phần dưỡng chất có ích”, Chủ tịch xã Ngọc Lương cho biết.
Lo lắng nếu cứ để mạch nước phun trào tự nhiên sẽ có ngày dẫn tới cạn kiệt, cùng với việc đảm bảo vệ sinh nguồn nước cho người dân, chính quyền địa phương đã xây dựng một bể xi-măng lộ thiên vài chục khối, để tích trữ nước.
“Giếng nước” cũ phun lên tích lại trong lớp đá nham nhở được lấp đi, đổ xi măng bên trên bề mặt. Các chuyên gia đã khoan một mũi khoan ở bên cạnh, lắp hệ thống vòi nước có van khoá, khi nào cần sử dụng nguồn nước mới tiến hành mở khoá van, mục đích nhằm tiết kiệm, bảo vệ và sử dụng nguồn nước có hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ Bùi Ngọc Hải cho hay, nếu được khai thác, sử dụng hiệu quả, mỏ nước khoáng nóng lộ thiên này sẽ là “cú hích” để Ngọc Lương làm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng – điều mà người dân luôn mong muốn để bảo vệ môi trường trong lành.
“Đến thời điểm hiện tại, Yên Thuỷ là “huyện xanh” duy nhất của Hoà Bình không có ống khói của sản xuất công nghiệp. Hàng ngàn năm qua, môi trường sống của Yên Thuỷ vô cùng trong lành. Hiện, cả huyện có duy nhất 4 nhà máy, trong đó 2 nhà máy may mặc, một cơ sở sản xuất gỗ ép, một nhà máy xi-măng nhưng đang trong quá trình xây dựng, tiếp giáp với huyện Lạc Thuỷ.
Định hướng phát triển kinh tế của Yên Thuỷ, về lâu dài, lấy mục tiêu phát triển kinh tế xanh làm định hướng trọng tâm. Dù nguồn thu ngân sách còn khiêm tốn nhưng tôi đã không ngần ngại từ chối dự án ngàn tỷ về địa phương vì nhận thấy sẽ không đảm bảo môi trường. Để giữ được vùng xanh, không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ cho hay.
Thái Bình