- Đối với bệnh nhân tiểu đường phải đánh giá xem bệnh nhân thuộc type 1 hay type 2, xem xét trực tiếp trên từng bệnh nhân để biết thể trạng, giai đoạn và mức độ bệnh ra sao, có bệnh gì hay biến chứng gì phối hợp hay không để từ đó đưa ra được những tư vấn cụ thể cho từng người bệnh.
Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Phương Mai (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thường bác sỹ sẽ tư vấn cho bệnh nhân cách lựa chọn thực phẩm giảm tinh bột, những loại đường hấp thu nhanh. Lựa chọn những thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết thấp và tư vấn các chế độ luyện tập thể dục thể thao phối hợp để có hiệu quả”.
Bệnh nhân tiểu đường cần chế độ ăn hợp lý, phù hợp chứ không phải ăn kiêng một cách cực đoan. Ảnh minh họa |
Theo BS Mai, bệnh nhân tiểu đường cần thực hiện một chế độ ăn hợp lý, ăn uống lành mạnh, phù hợp với từng người chứ không phải ăn kiêng.
Bởi vì theo nguyên tắc, bệnh nhân không phải kiêng tuyệt đối bất cứ một thứ thực phẩm nào, chỉ có điều cần chọn thực phẩm sao cho vừa đảm bảo chất dinh dưỡng không bị thiếu các chất đạm, khoáng, vitamin… vừa đảm bảo không tăng đường huyết nhiều.
Nên hạn chế ăn các đồ tinh bột như cơm, bánh mỳ, xôi…, hoặc các loại củ nhiều bột như khoai tây, khoai lang, khoai sọ…, đường hấp thu nhanh như đường kính, sữa, bánh kẹo, mứt, socola…
Nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ để hạn chế mỡ máu và chuyển hóa mỡ. Hạn chế lượng coletseron trong máu bằng việc hạn chế ăn mỡ động vật, hạn chế thịt mỡ, các loại phủ tạng động vật, da của gia cầm, các đồ hải sản như tôm, cua… lòng đỏ trứng gà, trứng vịt cũng không nên ăn quá nhiều.
Đặc biệt không sử dụng rượu bia vì rượu bia gây chuyển hóa mỡ rất nhiều.
Bùi Lan – Thục Anh