Ông T. (62 tuổi, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, khó thở nghiêm trọng, môi tím tái, ý thức mơ hồ, chỉ số SPO2 chỉ đạt 47% (thấp hơn rất nhiều so với mức bình thường trên 92%). 

Ông T. có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hơn 10 năm, thường xuyên sử dụng thuốc xịt chứa corticoid hỗ trợ thở tại nhà nhưng không tuân thủ điều trị định kỳ. 

Một tuần trước khi vào viện, ông T. tiếp xúc với người thân mắc cúm và nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng sốt cao, khó thở ngày càng nặng, kèm theo ho và đờm đặc. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm phổi nặng, nhiễm cúm A và bội nhiễm nấm Aspergillus do lạm dụng corticoid kéo dài. 

bệnh cúm nguy hiem (1).png
Bệnh nhân nguy kịch vì mắc cúm. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ đã đặt máy thở cho ông T. và sử dụng kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng và thuốc kháng nấm để tiêu diệt nấm phổi. Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của nam bệnh nhân đã cải thiện.

Trường hợp khác là ông N.V.T (48 tuổi, trú tại Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau 3 ngày sốt cao, khó thở tăng dần và tụt huyết áp. Ông có tiền sử lạm dụng rượu kéo dài, dẫn đến xơ gan.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, rối loạn đông máu, phải thở máy, lọc máu liên tục và sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp thuốc hỗ trợ tuần hoàn. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của ông dần cải thiện. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm phổi ở những người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch rất nguy hiểm. Bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan.

Để phòng ngừa và kiểm soát viêm phổi, bác sĩ Bắc khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin. Đặc biệt, người có bệnh nền cần tuân thủ điều trị định kỳ, không tự dùng thuốc, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh.