- Điều chúng tôi thực sự muốn lạm bàn là cách tư duy về vai trò của Nhà nước trong chương trình phát triển mắc ca mà rộng ra sẽ có ý nghĩa với nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp khác.
Với giá trị cao của cây mắc ca và khả năng có thể phát triển của loại cây này ở một số vùng nhất định tại Việt Nam thì sự quan tâm của Nhà nước đến phát triển loại cây công nghiệp mới này bên cạnh cây cà phê và hồ tiêu là đúng đắn.
Tuy nhiên, như kinh nghiệm mấy chục năm qua đã chỉ ra, ý định tốt không phải luôn dẫn đến kết quả tốt, thậm chí còn ngược lại, điều đó phụ thuộc rất lớn vào cách thực thi.
Bài học trong nước và trên thế giới đã chỉ ra rằng, một ngành, lĩnh vực, dự án cho dù về lý thuyết có khả năng sinh lợi cách mấy, nhưng khi được đầu tư thực hiện bởi những người không thực sự “sống chết” với nó, không “mất tiền túi” của cá nhân mình, thì rốt cuộc thường là thất bại, hoặc cũng sinh lợi rất thấp so với kỳ vọng.
Vì vậy, đối với những lĩnh vực Nhà nước muốn thúc đẩy phát triển thì cần phải tư duy thiết kế các chương trình hỗ trợ sao cho đảm bảo rằng người được nhận hỗ trợ có động lực cá nhân to lớn để đạt mục tiêu cụ thể Nhà nước đề ra.
Như chương trình đánh bắt hải sản xa bờ 1997, chương trình mía đường và nhiều chương trình hỗ trợ phát triển khác đều đã thất bại vì cách thiết kế chính sách không tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa mục tiêu và hỗ trợ, không tạo ra được động lực tự thân cho nhà đầu tư.
Các chính sách hỗ trợ trong chương trình đó chủ yếu chỉ khuyến khích các bên tham gia giải ngân, chi tiền, mà đã không tìm ra cách nào đảm bảo rằng: người được nhận hỗ trợ sẽ nỗ lực ngày đêm, mất ăn mất ngủ để sử dụng và quản lý tốt đồng tiền được hỗ trợ, và họ phải mất tiền của cá nhân nhiều hơn số tiền nhận được từ nhà nước nếu họ thất bại.
Nôm na, điều mấu chốt cần là người nhận hỗ trợ phải bỏ ra 7 đồng để được nhận 3 đồng thay vì cách chúng ta đã và đang làm là người được nhận hỗ trợ chỉ bỏ ra 3 đồng (hay thậm chí còn “tay không bắt giặc”) để nhận hỗ trợ 7 đồng.
Động cơ thực sự là gì?
Khác với các chương trình nêu trên, chương trình mắc ca 2015 được khởi xướng và dẫn dắt bởi các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh là ngân hàng Liên Việt và công ty Him Lam thu hút sự quan tâm rất lớn của chính quyền các cấp.
Mới đây, tại hội thảo về chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên (7/2/2015), Liên Việt và Him Lam đã trình bày đề án đầu tư trên 20.000 tỷ đồng phát triển mắc ca tại Tây Nguyên chính thức triển khai từ năm 2015.
Đây là kế hoạch rất tham vọng nhằm biến VN trong vòng 5 năm trở thành “thủ phủ” mắc ca của thế giới với vùng nguyên liệu 250.000 ha (bằng 14 lần diện tích hiện tại của Australia), với tổng chi phí đầu tư dự tính khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó tổng nguồn tín dụng khoảng 22.900 tỷ đồng (tương đương trên 1 tỷ đô la Mỹ).
Đây có thể là sự khác biệt lớn đem lại thành công cho chương trình mắc ca và giúp người nông dân vùng cao làm giàu, vì nếu Liên Việt và Him Lam thực sự bỏ tiền của cá nhân doanh nghiệp ra đầu tư, thì chắc chắn ban lãnh đạo của công ty sẽ làm việc thậm chí 24/24 giờ để đảm bảo dự án sinh lợi như dự tính, và như thế có lẽ đã phải tính toán hết tất cả những yếu tố rủi ro trong hoạt động kinh tế này.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nguồn vốn vay trong tổng đầu tư khoảng 22.900 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư.
Nếu nguồn tín dụng của dự án mắc ca này chủ yếu tới từ nguồn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước, ví dụ theo chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca tại Nghị định số 210 và các chính sách ưu đãi khác, thì dù là một dự án được khởi xướng và thực hiện bởi khu vực tư nhân, nhưng kết quả sẽ không khác nhiều so với các chương trình mía đường và đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ.
Nếu tỷ lệ vốn tự có: vốn ưu đãi của Nhà nước là 50:50, trong đó, Nhà nước có thể giám sát được nguồn tiền thực góp vào dự án của chủ đầu tư chứ không phải nguồn tiền trên giấy, thì khả năng thành công của chương trình này sẽ cao hơn rất nhiều. Ngược lại cũng có thể sẽ có một đề xuất khác, thận trọng hơn.
Người chơi chính là ai?
Trong những ngành, lĩnh vực Nhà nước muốn hỗ trợ phát triển, việc lựa chọn đúng người - doanh nghiệp có khả năng thành công trong tương lai để hỗ trợ (pick winners) là rất rủi ro và thường thất bại.
Cho nên, nhiều nước đã từ bỏ chiến lược “pick winners” để chuyển sang “back winners” - hỗ trợ những doanh nghiệp đã chứng tỏ sự thành công ban đầu và cần sự hỗ trợ để mở rộng quy mô, tăng tốc phát triển.
Đối với lĩnh vực mắc ca, điều đáng quý là Việt Nam đã có 20 năm trồng thử nghiệm, đã có một số dù ít ỏi doanh nghiệp tư nhân đầu tư trồng mắc ca những năm gần đây mà không trông chờ vào bất cứ sự hỗ trợ nào của Nhà nước.
Vì thế, thay vì áp dụng tư duy cũ trong thiết kế các chính sách ưu đãi kiểu chương trình đánh bắt hải sản xa bờ và chương trình 1 triệu tấn đường, Nhà nước nên xem xét áp dụng cách tiếp cận “Back Winner” đã rất thành công ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Trong nền kinh tế thị trường, khi có cơ hội sinh lợi cao, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ chủ động quan tâm đầu tư và cần đóng vai trò người chơi chính – người bỏ tiền chính.
Điều Nhà nước cần làm là tạo môi trường thuận lợi về vĩ mô và chính sách để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, thì khi đó các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tự thấy cơ hội để tham gia đầu tư phát triển mắc ca, nếu quả thật là có cơ hội như vậy.
Để người nông dân có việc làm và thu nhập cao, ổn định, sản phẩm nông nghiệp VN có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, Nhà nước cần có tư duy mới để thấu hiểu cách thức vận hành của cơ chế và ứng xử của các chủ thể trên thị trường.
Từ đó đặt ra được mục tiêu (đúng đắn, có thể lượng hóa, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện) và thiết kế các chính sách khuyến khích, ưu đãi vừa phù hợp với cơ chế thị trường vừa tạo ra động cơ mạnh mẽ cho các chủ thể của nền kinh tế lựa chọn hành động theo hướng đạt mục tiêu Nhà nước đề ra.
TS. Nguyễn Lan Hương - Trường Harvard Kennedy