Trên thị trường hiện đang rộ lên "phong trào" tự chế mỹ phẩm để xây dựng một thương hiệu riêng rồi chào bán ra thị trường với những lời quảng cáo “có cánh” khiến không ít người tiêu dùng bị “hớ”.

Phong trào mỹ phẩm tự chế

Hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều các loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng, chứa các chất gây độc hại cho cơ thể người sử dụng. Chính vì thế các loại mỹ phẩm mang tên "handmade" (mỹ phẩm tự chế) lại được lòng người tiêu dùng.

Minh Anh, một "tín đồ" của các loại mỹ phẩm tự chế chia sẻ: "Mỹ phẩm handmade sản xuất thủ công, từ những vật liệu thiên nhiên nên chắc chắn an toàn hơn so với các loại mỹ phẩm công ty".

Thế nhưng, hiện trên thị trường lại ồ ạt các loại mỹ phẩm tự chế, trong đó có không ít loại chỉ mang tên "mỹ phẩm handmade 100% tự nhiên" mà không ai biết nó có nguồn gốc từ đâu.

{keywords}

Trên các diễn đàn làm đẹp nhiều công thức, cách làm mỹ phẩm chưa ai kiểm chứng được chia sẻ rầm rộ.

Hầu hết người sản xuất, người bán đều khẳng định mỹ phẩm được sản xuất từ tự nhiên: dầu dừa, dầu gấc, cám gạo, mật ong, trà xanh... Chủng loại rất đa dạng chủ yếu là son, kem dưỡng da, dưỡng thể, mặt nạ, bông tắm...

Cách thức mua bán ồ ạt, đơn giản, chỉ cần nhắn tin hay bình luận vào bài viết của người bán hàng. Sản phẩm đặt mua được chuyển đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Theo một người có địa chỉ facebook Hoa Lan chia sẻ về cách kiếm tiền với mỹ phẩm tự chế: "Mình lấy hàng từ một người bạn quen sau đó pha chế theo các tỷ lệ để cho ra nhiều sản phẩm khác nhau. Chai lọ tự mua cho tích kiệm, nhãn mác nhờ ai thiết kế rồi ra hàng in dán vào là xong".

Khó kiểm soát chất lượng

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) khẳng định, không nên dùng bất cứ loại mỹ phẩm tự chế nào được quảng cáo trên mạng hoặc truyền miệng.

Ông Đức cũng cho biết, phần lớn mỹ phẩm tự chế đều không có nhãn mác, nếu có thì cũng là nhãn mác tự chế, không có kiểm định của bất kì cơ quan chức năng nào.

Do vậy rất dễ "ngụy tạo" về thành phần và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có pha trộn các chất như corticoid hay kháng sinh thì người dùng cũng không thể phát hiện ra được.

{keywords}

Quy trình sản xuất một loại mỹ phẩm tự chế.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng khám da liễu, bệnh viện Y dược TP.HCM, ngoài nguy cơ có sự pha trộn chất độc hại do mỹ phẩm tự chế được làm từ nguyên liệu không có kiểm định thì mỹ phẩm này còn không đảm bảo điều kiện vô khuẩn.

Quá trình sản xuất bằng những dụng cụ mất vệ sinh, việc bảo quản, vận chuyển trong chai lọ với thời tiết, nhiệt độ khác nhau dễ sinh nấm mốc, hư hỏng. Thực tế, các nguyên liệu như dầu dừa, dầu oliu, dầu cám gạo… là môi trường rất tốt để vi khuẩn và nấm phát triển.

Cẩn thận lột da vì…mỹ phẩm tự chế

Thấy trên mạng rộ lên phong trào mỹ phẩm tự chế, chị H.T.H nghe lời quảng cáo hấp dẫn chị H. sắm cho bản thân một lọ kem dưỡng da. Sau hai ngày đầu sử dụng da chị có dấu hiệu bị khô và có cảm giác hơi ngứa. Tự cho rằng đó là chưa quen với mỹ phẩm tự nhiên chị H. vẫn tiếp tục sử dụng và tự ý mua thuốc dị ứng uống cùng.

Sau một tuần, chị H. vội vàng đến bác sĩ da liễu khi mà da mặt chị có dấu hiệu bong chóc thì nhận được kết luận bị dị ứng mỹ phẩm. Lúc này chị H. mới ngớ người và không hiểu tại sao mỹ phẩm tự chế thiên nhiên mà lại gây dị ứng đến vậy.

Theo bác sĩ của chị H. mỹ phẩm tự chế không được kiểm chứng về hiệu quả và mức độ an toàn khi sử dụng. Trong thành phần rất có thể chứa các axit AHA, BHA gây lột da, hai chất này hoạt động bằng cách tẩy tế bào chết để hiện ra tế bào mới. Đối với làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thì rất dễ dẫn đến khô da, bong chóc như chị H.

Theo các chuyên gia, hiện nay có một số mỹ phẩm handmade được cho thêm corticoid (chất làm da đẹp lên nhanh chóng trong thời gian đầu sử dụng 3-7 ngày). Tuy nhiên, nếu dùng lâu hoặc ngưng sử dụng sẽ dẫn đến tao da, rạn da, mất sự đề kháng, dễ bị nhiễm trùng, mụn trứng cá khắp mặt…

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, nếu bôi kem chứa corticoid lâu ngày có thể thấm qua da vào máu làm bạn nữ tiền dậy thì bị rối loạn sự phát triển hệ lông. Corticoid dễ xuất hiện trong mỹ phẩm làm trắng da, trị thâm nám, trị mụn…

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu) cũng lưu ý: “Khi mua mỹ phẩm tự chế cần xem xét kĩ địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, xem giấy phép sản xuất trên bao bì đồng thời kiểm tra kĩ chất lượng bên trong xem có hiện tượng nấm mốc hay không. Khi dùng mỹ phẩm thấy có sự kích ứng, đỏ da, ngứa ngáy thì ngưng sử dụng ngay lập tức”.

(Theo Viet Q)