- Tôi có một người bác họ năm nay ngoài 50 tuổi, đã góa chồng, gia đình có điều kiện kinh tế khá. Vừa rồi, qua lớp học khiêu vũ, bác tôi quen một người đàn ông mới ngoài 30 tuổi, kém bác tới gần 20 tuổi. 

Người đàn ông này buông lời ngon ngọt tán tỉnh khiến bác tôi xiêu lòng. Hôm trước hẹn đi xem phim với người đó, bác tôi mang theo một số tiền lớn để đóng tiền họ. Trong buổi xem phim, người đàn ông này lừa bác tôi đi vệ sinh rồi ôm túi xách chạy trốn, trong đó có 50 triệu đồng tiền mặt. Bác tôi đã làm đơn trình báo công an và đang chờ giải quyết. Xin hỏi luật sư người đàn ông kia sẽ bị kết tội thế nào? Trong khoảng bao lâu thì bác tôi lấy lại được tiền của mình? Cảm ơn luật sư tư vấn.

{keywords}
Bác tôi quen người đàn ông kém mình gần 20 tuổi (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

Với quy định này, hành vi trộm cắp tài sản của người khác dù giá trị lớn hay nhỏ đều là trái pháp luật. Nó không những xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ tài sản mà còn xâm phạm đến an ninh trật tự của xã hội, cộng đồng, là những giá trị mà pháp luật bảo vệ. Nếu xét thấy hành vi trộm cắp có dấu hiệu hình sự và thuộc trường hợp quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ thì cơ quan điều tra có quyền tạm giữ người vi phạm để điều tra, xác minh. Trường hợp đủ cơ sở xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị khởi tố bị can để điều tra.

Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.”

Cấu thành tội phạm trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. “Chiếm đoạt” là việc cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. “Lén lút” là hành vi cố ý giấu diếm, vụng trộm không để lộ ra nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác; việc che giấu có thể là che giấu toàn bộ (với tất cả mọi người) hoặc công khai trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng vẫn che giấu hành vi phạm tội với chủ tài sản.Theo như bạn trình bày thì người đó có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Căn cứ vào quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì sau khi khiểm tra, xác minh, giám định tài sản là vật chứng vụ án thì cơ quan điều tra sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án. Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định.

Về hình phạt, người đàn ông lấy trộm tài sản giá trị là 50 triệu đồng của , theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 138 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 với hành vi này có thể phải chịu hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc