Mã số vùng trồng hay còn gọi là “mã định danh” nông sản. Vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia trên thế giới xem mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ở nước ta, mã số vùng trồng còn được xem là tấm “hộ chiếu” để thông hành vào các thị trường xuất khẩu. Việc xây dựng mã số vùng trồng cũng góp phần thay đổi tư duy canh tác của người nông dân.
Trong kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; ban hành hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt.
Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng, tập trung phần lớn vào các sản phẩm: xoài, thanh long, nhãn, lúa gạo, sầu riêng. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng ở nước ta.
Năm ngoái, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt.
Từ đó, khai thác cơ sở dữ liệu cho các mục đích khác nhau như: xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất, điều tiết, kết nối cung cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự tính, dự báo, theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán tạo ra “đúng, đủ, sạch” của ngành nông nghiệp.
Dựa trên dữ liệu vùng trồng, người nông dân, hợp tác xã, cơ quan chức năng xác định về thời điểm xuống giống, thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng; dự báo sản lượng, nhu cầu thị trường, giá cả nông sản...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống mã số vùng trồng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc “định danh nông sản Việt Nam”, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và trên trường quốc tế. Đồng thời, đem lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng. Như tỉnh Vĩnh Phúc, các vùng trồng sẽ được cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; cho phép thiết lập mã số vùng trồng cho các cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn tỉnh, ghi chép nhật ký điện tử;
Khai thác cơ sở dữ liệu vùng trồng cho các mục đích khác nhau như xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất; điều tiết, kết nối cung - cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự thính, dự báo… nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc nông sản. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 1,43 tỷ đồng.
Với ngành hàng sầu riêng, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam đã xây dựng và được Tổng cục Hải quan Trung phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.
Có được mã số vùng trồng, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp cũng xác định được sản lượng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu, từ đó dự báo được thị trường, giá cả, đưa ra các khuyến cáo về khả năng ùn tắc trên cửa khẩu vào mùa cao điểm. Nhờ đó, người nông dân có một mùa vụ trúng đậm, thu tiền tỷ từ trái sầu riêng. Sầu riêng cũng trở thành trái cây tỷ USD mới của Việt Nam.