|
Số định danh cá nhân được gắn vào chứng minh thư nhân dân mẫu mới và sẽ được gắn vào giấy khai sinh cũng như các loại giấy tờ khác có liên quan tới công dân. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
>> Cấp 1 mã số công dân gốc cho người Việt
Bộ Công an đã cấp hơn 4 vạn số định danh cá nhân
Theo Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 quy định về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Thông tư số 10/2013 ngày 22/2/2013 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 90 thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam và gắn với người đó từ khi sinh ra đến khi chết, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, những dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng trong hoạt động quản lý nhà nước. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc.
Và theo Dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến thì Bộ Công an sẽ là đầu mối giúp Chính phủ quản lý kho số định danh cá nhân. Cụ thể, công an cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền cấp mã số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực khi họ đến đăng ký thường trú hoặc cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân. UBND cấp xã cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và chứng minh thư nhân dân.
Thực tế, trong khi chưa có thông tin rõ ràng, cụ thể về kết quả triển khai gắn số định danh cá nhân vào giấy khai sinh thì Bộ Công an đã cấp được hơn 4 vạn số định danh cá nhân cho công dân đến làm chứng minh thư mẫu mới sau 6 tháng triển khai thí điểm cấp chứng minh thư mẫu mới tại 3 quận, huyện ở Hà Nội gồm Tây Hồ, Hoàng Mai, Từ Liêm. Dự kiến trong năm 2013 sẽ thí điểm cấp tiếp hàng triệu chứng minh thư mẫu mới gắn số định danh cá nhân tại Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
Số định danh trong chứng minh thư mẫu mới do Bộ Công an cấp gồm 12 chữ số, thể hiện thông tin về tỉnh của nơi sinh, giới tính và thế kỷ sinh, năm sinh, thứ tự nhập số của 1 tỉnh. Ước tính mỗi tỉnh/thành phố mỗi năm có thể cấp mới 2 triệu số định danh cá nhân.
Chuyện của nhiều "nhà"
Ý tưởng cấp mã số công dân gốc cho người Việt
Mới đây, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc đã đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngồi lại với nhau để phân định rõ trách nhiệm cũng như khả năng phối hợp trong việc cấp số định danh cá nhân cho công dân. Bởi Bộ Công an chỉ có thể cấp mã số định danh cá nhân khi người dân đăng ký hộ khẩu hoặc cấp mã số chứng minh nhân dân loại mới. Còn việc cấp số định danh cho công dân từ khi khai sinh vẫn đang do ngành Tư pháp đảm nhiệm. Nếu cứ để mạnh ai nấy làm thì sẽ có tới 2 cơ sở dữ liệu cùng lưu dữ liệu gốc của người dân, gồm một cơ sở dữ liệu chỉ có thông tin khai sinh và một cơ sở dữ liệu lưu giữ thông tin hộ khẩu.
Ông Phúc đề xuất chỉ nên để tồn tại duy nhất 1 cơ sở dữ liệu quốc gia lưu thông tin gốc của công dân kể từ khi sinh ra đến khi mất đi. Bộ Công an khi quản lý kho số định danh cá nhân cần chia sẻ quyền để UBND cấp xã phường cũng có thể sử dụng kho này để cấp giấy đăng ký khai sinh (cán bộ phường có thể nhập thẳng thông tin khai sinh của công dân vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia quốc gia về dân cư).
Tiếp nhận đề xuất vừa nêu, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an cho biết Bộ Công an sẵn sàng phối hợp nhập các thông tin khác để quản lý công dân từ khi khai sinh đến suốt cuộc đời.
Một vấn đề lớn khác liên quan tới mã số gốc của công dân cũng được ông Phúc lưu ý là cần sớm có sự khẳng định giá trị pháp lý của mã số định danh cá nhân trong các giấy tờ khác liên quan đến công dân như Hộ chiếu công vụ và Hộ chiếu ngoại giao (Bộ Công an và Bộ Ngoại giao); Giấy phép lái xe (Bộ Giao thông vận tải); Sổ bảo hiểm xã hội, Thẻ Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội); Thẻ mã số thuế (Bộ Tài chính). Hiện vẫn chưa có quy định nào về việc phải gắn mã số định danh cá nhân vào những loại giấy tờ này.
Ngoài ra, phải khẳng định giá trị pháp lý của số định danh cá nhân trong các giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Khi đó, người dân chỉ cần nhập mã số định danh cá nhân của mình vào hệ thống giao dịch, dịch vụ công thì những thông tin cơ bản của người dân đều được tự động kết xuất ra và người dân không cần nhập lại những thông tin như vậy.