Kể từ khi bản gốc tiểu thuyết của tác giả người Nhật Koji Suzuki được xuất bản từ năm 1991 cho tới nay, Ring đã trở thành một thương hiệu kinh dị nổi tiếng trên trang sách lẫn màn ảnh. Tác giả Koji Suzuki đã viết thêm hai quyển tiểu thuyết Spiral (1995) và Loop (1998) để hoàn tất loạt trilogy Ring trên trang giấy.
Ma chui từ giếng…
…dần tiến hóa, chui ra từ ti vi
Còn trên màn ảnh, Ring liên tiếp được chuyển thể từ phim cho tới truyền hình, tạo cơn sốt từ Nhật cho tới Hollywood. Bản phim The Ring năm 2002 của đạo diễn Gore Verbinski đã chính thức đưa cô ma Sadako của Nhật trở thành biểu tượng tóc dài ghê rợn Samara đến "ám ảnh" công chúng quốc tế. Và trở thành một trong những "truyền thuyết thành thị" nổi tiếng nhất hiện nay.
Bản gốc Nhật – Ringu 1998
Bản Mỹ - The Ring 2002
15 năm sau phần phim The Ring đầu tiên, Hollywood tiếp tục sản xuất thêm phần phim thứ 4 về cô nàng ma với lời nguyền đáng sợ: "Ngươi sẽ chết trong vòng 7 ngày". Không còn đơn thuần là một nhân vật tưởng tượng bước ra từ tiểu thuyết của tác giả Koji Suzuki, hình tượng Sadako hay Samara (bản Mỹ) thực tế lại được xây dựng dựa trên những nhân vật có thật.
Và bản gốc của The Ring có đáng sợ không? Hãy cùng tìm hiểu 3 biểu tượng được cho là đã góp phần tạo nên "người đẹp dưới giếng" của chúng ta.
1. Điệu nhảy Bóng tối và Ma nữ trong truyện dân gian Nhật Bản
Bạn có từng thắc mắc, tại sao Sadako/Samara lại có tạo hình rũ rượi và cách đi đứng xiêu vẹo như kẻ say rượu như thế này không?
Cách di chuyển của Sadako
Tất cả hóa ra đều có nguồn gốc ảnh hưởng, chứ không đơn thuần là sự tưởng tượng của tác giả và các nhà làm phim.
Các bước đi của Sadako thực tế là sự mô phỏng lại một điệu múa kỳ lạ mà người Nhật đã sáng tạo ra sau cơn ác mộng thảm bại trong Chiến tranh Thế giới II. Butoh, tên của điệu nhảy, là một loại hình vũ kịch với sự kết hợp đa dạng các hoạt động, kỹ thuật và biểu diễn của khiêu vũ với nhau. Tên gọi khai sinh của Butoh là Ankoku Butoh (Dance of Darkness) với mục đích ám chỉ điệu nhảy điên loạn của ma quỷ, vốn được rút ra từ hình tượng quỷ ma trong các vở tuồng Noh và Kabuki.
Nguyên bản dáng đi "người mẫu" của Sadako
Nghệ sỹ Ohno Kazuo biểu diễn trong vở The Dead Sea – Cảm hứng cho những bước chân xiêu vẹo của Sadako
Khởi thủy của nó, nhà sáng tạo Hijikata Tatsumi nói rằng ông muốn thông qua Butoh để vạch trần những thứ xấu xa, hắc ám và tồi tệ đang tồn tại trong xã hội Nhật sau chiến tranh (những chủ đề vốn dĩ thường bị né tránh bàn tới).
Nghệ sỹ sáng lập ra điệu vũ Butoh - Hijikata Tatsumi
Tạo hình của Sadako, thì lại là hình ảnh mô phỏng lại hình dung về các hồn ma nữ (Yuurei) trong lịch sử dân gian Nhật Bản. Yuurei thường là những phụ nữ có gương mặt trắng bệch, tóc đen dài, mặc trên mình những bộ kimono màu trắng và thường có làn khói ở nơi vốn là chân. Lý do cho hình tượng của các yuurei rất đơn giản: Đó là hình ảnh phụ nữ Nhật sau khi chết.
Ma nữ trong truyện dân gian Nhật Bản
Theo truyền thống, phụ nữ Nhật thường búi tóc cao khi còn sống và mái tóc họ sẽ được xõa ra khi chết. Cơ thể họ sẽ được mặc trong một bộ kimono trắng để thể hiện sự thuần khiết của linh hồn người chết. Còn đôi chân luôn bao phủ trong khói là cách để người ta tin rằng, đó là hồn ma.
2. Ma nữ trả thù
Ring là một bộ phim về ma nữ trả thù. Và nỗi oán hận không nguôi của Sadako thật ra cũng khá tương đồng với nỗi oán hận của các ma nữ trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản. Sadako có thể được dựa trên hình ảnh hai yuurei đầy hận thù nổi tiếng là Oiwa và Okiki. Những ma nữ mang nặng oán hận này còn được gọi với cái tên khác là: onryou.
Onryou là các ma nữ trả thù trong truyền thuyết Nhật Bản
Câu chuyện về Oiwa được kể trong truyền thuyết Yotsuya Kaidan – vốn được tái hiện lại rất nhiều lần trong các vở kịch Kabuki, truyện tranh, hoạt hình và phim của Nhật. Oiwa là một yuurei với quá khứ vô cùng đau buồn. Truyện kể rằng chồng của Oiwa đã đầu độc và giết chết nàng cùng đứa con trong bụng để hắn có thể tự do cưới một phụ nữ khác.
Sau khi đâm Oiwa tới chết (do độc dược chưa thể giết được Oiwa), hắn cột xác cô vào cánh cửa và thả trôi sông. Sau này, trong đêm tân hôn của chồng và vợ mới, Oiwa đã hiện hồn về ám thị khiến hắn dùng kiếm chết đứt đầu vợ và hoảng sợ tới mức hóa điên.
Hồn ma Oiwa và đứa con bị đầu độc chết
Trong các phiên bản kịch Kabuki, Oiwa cũng có mái tóc đen dài rũ rượi che phủ toàn bộ gương mặt. Khi mái tóc được vén lên, sẽ để lộ ra một gương mặt biến dạng xấu xí với mắt phải bị lồi ra. Tương truyền, thuốc độc đã làm gương mặt Oiwa sưng phù và biến dạng như thế.
Hiện nay, ngôi đền Oiwa Inari Tamiya Jinja ở Shinjuku được xem là ngôi nhà mà Oiwa và chồng là samurai với tên gọi Tamiya Iuzaemon từng sinh sống. Bi kịch xảy ra đã ám cả căn nhà và người dân quyết định biến nó thành ngôi đền tưởng nhớ Oiwa. Truyền thuyết còn nói rằng, những ai có hành động bất kính tại đền sẽ bị ám tới nỗi sưng mắt phải.
Đền Oiwa Inari Tamiya Jinja ở Shinjuku
Một yuurei nổi tiếng khác cũng được cho là cảm hứng gần nhất cho hình tượng gốc của Sadako chính là Okiku – ma nữ trong câu truyện ma nổi tiếng nhất Nhật Bản với tên gọi Bancho Sarayashi. Chuyện về Okiku cũng được xác nhận là có thật trong lịch sử, với giai thoại gắn liền với tòa lâu đài Himeji ở phía Tây Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 1333 tới 1346.
Nàng Okiku và nghi oán chiếc dĩa bị mất
Okiku là nàng hầu xinh đẹp làm việc trong tòa lâu đài do lãnh chúa Tessan Aoyama làm chủ. Rất nhiều lần, Tessan tìm cách đe dọa lẫn dụ dỗ Okiku lên giường cùng mình nhưng đều bị từ chối phũ phàng. Tức tối, Tessan cáo buộc Okiku đã làm vỡ 1 chiếc đĩa quý trong bộ sưu tập 10 chiếc. Hắn đưa ra đề nghị, nếu Okiku đồng ý ngủ cùng, thì hắn sẽ giúp cô thoát khỏi hình phạt vì làm hỏng đồ của gia chủ.
Có hai giả thuyết đặt ra cho cái chết của Okiku, có người bảo cô bị Tessan tức giận rồi ném xuống giếng. Có người lại bảo, chính cô đã tự sát để thoát khỏi tình cảnh éo le của mình. Nhưng tất cả phiên bản đều có chung một cơn ám ảnh: Hằng đêm sau cái chết của Okiku đều có tiếng vọng đếm từ 1 tới 9 vang lên từ miệng giếng cho tới khắp lâu đài. Tiếng đếm kéo dài suốt nhiều đêm ròng rã, khiến cho lãnh chúa Tessan Aoyama cũng theo đó mà phát điên.
Lâu đài Himeji
Chiếc giếng nơi Okiku chết cũng được đặt tên là giếng Okiku và trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng với lời nguyền bị ám.
Giếng Okiku trong đời thật
3. Những cô gái có năng lực ngoại cảm
Tác giả của tiểu thuyết Ringu, Kouji Suzuki từng nói rằng, một phần trong tác phẩm kinh dị nổi tiếng của ông là dựa trên câu chuyện có thật về 2 người phụ nữ. Và tên của họ lần lượt được đề cập tới trong các chi tiết của câu chuyện về Sadako.
Người đầu tiên là Chizuko Mifune, cô gái từng sống vào hàng trăm năm trước vào thời kỳ Kumamoto. Được cho là sở hữu những năng lực ngoại cảm, Chizuko nhanh chóng trở thành đối tượng quan tâm đặc biệt của giáo sư của trường đại học Tokyo – Tomokichi Fukurai. Để ép Chizuko bộc lộ năng lực, Tomokichi đã tổ chức rất những cuộc thử nghiệm công khai, giống như cách mà cha của Sadako đã làm trong phim khi ông chỉ trích cô là lang băm trước đám đông. Trong thực tế, Chizuko cũng rơi vào cơn trầm cảm kéo dài và tự sát khi mới 25 tuổi.
Chizuko Mifune (1886-1911) – cô gái với khả năng Thiên nhãn, có thể nhìn xuyên qua đồ vật để thấy các nội dung bị che giấu
Cái tên Chizuko sau này được tác giả Kouji dùng để đặt cho mẹ của Sadako.
Người phụ nữ thứ hai, xuất hiện chỉ đúng một năm sau cái chết cua Chizuko, cũng sở hữu những năng lực thần bí. Cô gái này nổi tiếng nhờ khả năng: nensha. Tức là năng lực dùng sức mạnh tâm linh để ghi một hình ảnh lên một mảnh phim hoặc – vào tâm trí của ai đó.
Và tên cô ấy là gì, chắc bạn cũng đã đoán ra rồi chứ? Là Takahashi Sadako.
Nhà thần kinh học Tomokichi Fukurai cùng ba phụ nữ Nhật có khả năng đặc biệt Takahashi Sadako, Ikuko Nagao và Chizuko Mifune
Sadako hay Samara giờ đây đã trở thành một trong những biểu tượng kinh dị của thế giới. Hình tượng của "ma giếng" Sadako rõ ràng được xây dựng, cóp nhặt dựa trên những nhân vật, sự kiện có thật trong lịch sử. Dù chưa rõ tư liệu ngoài đời này góp bao nhiêu phần trăm trong sáng tạo của tác giả Kouji Suzuki. Nhưng trên tất cả, dù là Oiwa - Okiku trong truyền thuyết hay Chizuko – Sadako trong tư liệu sử sách, thì Sadako/Samara vẫn là một hình tượng hiện đại phản ánh một trong những chủ đề hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ đáng sợ: sự oán hận của những người phụ nữ bất hạnh.
Ma giếng hay ma video chỉ là ẩn dụ cho những phụ nữ bị bức hại tới chết. Một hình ảnh trong tác phẩm "Rings" 2017
Rings hiện đang được khởi chiếu trên toàn quốc.
Wendy