“Giong buồm” ngược chiều gió
Tại Việt Nam, việc các doanh nghiệp nước ngoài vào thâu tóm các thương hiệu nội địa không còn là câu chuyện mới. Năm 2017, số tiền nước ngoài chi để mua đứt hoặc mua chi phối, trở thành cổ đông lớn trong nhiều công ty Việt lên đến hơn 10 tỷ USD.
Năm 2021-2022, doanh nghiệp Việt vẫn tiếp tục là “miếng bánh ngọt” mà nhiều công ty nước ngoài nhắm tới khi số tiền M&A đổ vào tăng vọt trong nhiều ngành nghề. Trong bối cảnh đó, Nutifood đã làm điều khác biệt, “giong buồm ngược gió”, thực hiện chiến lược ‘xuất ngoại’ khi M&A công ty Cawells tận trời Âu.
Bước “đi tắt đón đầu” M&A Cawells, một doanh nghiệp thực phẩm bổ sung của châu Âu với công nghệ tiên tiến, sản phẩm được phân phối rộng rãi trên khắp lục địa già, cả châu Á và Trung Đông ngay lập tức giúp Nutifood Sweden tạo ra mảnh ghép hoàn hảo trong việc xây dựng hệ sinh thái vững chãi ngay trên đất Thụy Điển, làm “bàn đạp” trong việc xuất ngoại.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood, người trực tiếp tham gia đàm phán thương vụ này, cho biết: “Thâu tóm doanh nghiệp ngoại là thử thách “khó nhằn” nhưng để bước chân ra thị trường quốc tế, tìm cơ hội phát triển và cạnh tranh thì không thể không M&A. Từ vài năm trước, Nutifood đã xây nền móng vững chắc cho thương hiệu trong nước và chuẩn bị sẵn sàng cho việc vươn ra thế giới”.
Lát cắt đầu tiên của chiến lược vươn ra thế giới được tiến hành năm 2019 bằng việc mua lại Nhà máy Nutifood Thuỵ Điển. Hai năm sau Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thuỵ Điển (NNRIS) quy tụ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu châu Âu ra đời. M&A Cawells là lát cắt thứ ba nhằm trọn vẹn hoá bức tranh thực phẩm dinh dưỡng tốt từ thiên nhiên của công ty này.
Làm chủ thế trận M&A
“Việc lựa chọn đối tác M&A ngoại chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt. Vấn đề không chỉ là “liệu cơm gắp mắm” mà quan trọng hơn cả là triết lý kinh doanh và văn hoá kinh doanh của đối tác phải thích hợp với chiến lược phát triển của mình”, ông Trần Bảo Minh nói.
Trước Cawells, đoàn đám phán của Nutifood đã thương thảo với nhiều đối tác khác từ Hàn Quốc, Nhật Bản... Chia sẻ về lý do chọn Cawells, lãnh đạo Nutifood cho biết: “Với danh mục 120 sản phẩm đa dạng, phong phú cùng năng lực nghiên cứu theo chuẩn mực cao về an toàn và tự nhiên, Cawells như một câu chuyện về cách sống của người Thuỵ Điển, người dân vùng Bắc Âu. Họ tạo ra sản phẩm bổ sung sức khoẻ toàn diện dành cho cả người lớn, trẻ em, phù hợp với chiến lược phát triển phục vụ sức khỏe con người của Nutifood. Lợi thế nguồn nguyên liệu, kênh phân phối, cơ sở sản xuất, giá trị thương hiệu, dữ liệu khách hàng… cũng chính là những “lá bài” hấp dẫn để Nutifood thương lượng thành công với Cawells”.
Bản sắc Việt trong sản phẩm chất lượng quốc tế
Theo chia sẻ của ông Trần Bảo Minh, khi sản phẩm Cawells được bày bán trên kệ kênh phân phối của Nutifood trong nước cũng là lúc sản phẩm Nutifood thừa hưởng và tận dụng tệp khách hàng của Cawells trải dài từ châu Âu sang châu Á và Trung Đông. Theo đó, các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt thông qua Cawells sẽ được quảng bá ra thế giới như sâm Ngọc Linh, cà phê di sản từ nông trường trăm năm CADA…
“Cùng Cawells, chúng tôi mong muốn tạo nên một thương hiệu thực phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe hàng đầu châu Á. Đó là sự kết hợp hoàn hảo của những ứng dụng công nghệ thực phẩm tiên tiến từ phương Tây cùng với dược liệu quý của các nước châu Á để tạo nên sức cạnh tranh độc đáo, khác biệt cho riêng Cawells tại những thị trường chiến lược tiềm năng với 100 triệu người Việt Nam nói riêng và 5 tỷ người dân châu Á nói chung”, ông Trần Bảo Minh nhận định.
Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm cho thấy doanh số ngành thực phẩm chức năng đạt 6 tỷ USD năm 2019. Theo Euromoniter, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam dự kiến có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Thực tế hàng triệu người Việt đã và đang sử dụng thực phẩm chức năng từ các thương hiệu nước ngoài.
“Đầu tư vào Cawells không chỉ để giữ tiền ở lại trong nước, mà còn hút ngoại tệ về cho Việt Nam”, ông Minh nhấn mạnh.
Thâu tóm thành công Cawells, Nutifood đã tiến thêm một bước trong việc mang thương hiệu Việt đi chinh phục thế giới. Đây cũng có thể xem như một trường hợp điển hình của doanh nghiệp Việt “mang chuông đi đánh xứ người”.
Tấn Tài