- Vợ chồng tôi kết hôn năm 2007, trong quá trình sống chung thì mua được hai căn nhà do tiền của cả hai cùng góp.

Đầu năm 2016, vì phát hiện vợ ngoại tình nên tôi quyết định ly hôn. Nhưng do chưa giải quyết được một số thủ tục nên chúng tôi vẫn sống ly thân trước. Tôi và vợ mỗi người sống trong một căn nhà chung, thỏa thuận bằng giấy tờ (do giá trị của hai ngôi nhà là tương đương). 

Tuy nhiên khi tôi không ở đó mà đem ngôi nhà cho thuê thì vợ tôi lại đòi chia đôi số tiền thuê nhà, do hai vợ chồng chưa ly hôn, nhà vẫn là tài sản chung. Nhờ luật sư cho biết tôi có phải chia cho vợ tiền thuê nhà đó không? Có quy định pháp luật nào về điều đó không? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Vợ tôi đòi chia số tiền thuê nhà (Ảnh minh họa)

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hiện nay trên thực tế vấn đề ly thân sau khi kết hôn diễn ra rất phổ biến, tuy nhiên mặc dù ly thân nhưng quan hệ vợ chồng chưa chấm dứt. Vì vậy, mặc dù vợ chồng bạn đã ly thân không sống chung với nhau nhưng vẫn chưa làm thủ tục ly hôn thì xét về khía cạnh pháp lý vẫn còn tồn tại quan hệ vợ chồng và được pháp luật công nhận.

Theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Vì ngôi nhà này là tài sản chung vợ chồng, khi hai vợ chồng vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân. Vì vậy, trên phương diện pháp luật thì người vợ vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt ngôi nhà đó.

Luật Hôn nhân gia đình 2014, “Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

Căn cứ theo quy định trên, đối với bất động sản, định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc