Đối tượng bị bọn tội phạm giả dạng là ông Jean-Yves Le Drian, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Pháp trong giai đoạn 2012 - 2017 và hiện đang là Bộ trưởng châu Âu và các vấn đề đối ngoại của nước này.
Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian. Ảnh: Rex |
Dù là một chính khách quan trọng ở Pháp nhưng ông Le Drian ít khi xuất hiện công khai trước công chúng. Các điều tra viên tin đây nhiều khả năng là lí do khiến bọn tội phạm chọn đánh cắp danh tính của ông.
Bọn lừa đảo đã dùng mặt nạ silicon cùng văn phòng trang trí như thật để lừa các thành viên chính phủ nước ngoài và những doanh nhân giàu có rằng họ đang được tiếp xúc trực tiếp với ông Le Drian, người yêu cầu tham gia tài trợ để giúp trả tiền chuộc các nhà báo bị các tay súng Hồi giáo bắt giữ ở Trung Đông. Một số người tỉnh táo nhận ra điểm bất thường, trong khi nhiều nạn nhân khác đã sập bẫy và quyên tặng hàng triệu Euro.
Theo các điều tra viên Pháp, âm mưu lừa đảo rất tinh vi và khó phát hiện. Bọn tội phạm sẽ đóng giả là một nhân viên thân cận ông Le Drian để liên lạc với cả các doanh nhân, người đứng đầu ngân hàng và các lãnh đạo chính phủ nước ngoài để sắp xếp một cuộc trò chuyện với vị "bộ trưởng" kín tiếng. Ban đầu, các cuộc trò chuyện được thực hiện qua điện thoại, với một tên lừa đảo giả giọng rất giống ông Le Drian. Sau đó, để khiến "con mồi" tin tưởng hơn, thủ phạm chuyển sang dùng hình thức gọi điện thấy hình qua ứng dụng Skype.
Ảnh chụp Le Drian giả trong một cuộc gọi video với nạn nhân. Ảnh: Daily Mail |
Các hình ảnh chụp được từ một cuộc gọi video như trên cho thấy, một người đàn ông mang mặt nạ silicon giống Bộ trưởng Le Drian đang ngồi cạnh một bàn làm việc cắm quốc kỳ Pháp và bức chân dung ông Francois Hollande, Tổng thống Pháp giai đoạn 2012 - 2017.
Kẻ đóng giả ông Le Drian thường ngồi cách khá xa ống kính camera, trong một phòng có ánh sáng yếu và khó để các nạn nhân nhận ra hắn đang đeo mặt nạ. Chất lượng đường truyền video cũng khá kém và cuộc trò chuyện cũng tương đối ngắn ngủi.
Với lí do chính phủ Pháp không thể chính thức trả tiền chuộc các nhà báo cho bọn bắt cóc ở Trung Đông, Le Drian giả sẽ yêu cầu các nạn nhân quyên góp những khoản tiền lớn cho việc này và gửi vào một tài khoản ở Trung Quốc để không bị lần ra dấu vết.
Kể từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2017, bọn lừa đảo đã kiếm được gần 80 triệu Euro từ nhiều nạn nhân. Theo BBC, hơn một nửa số tiền này là của một doanh nhân giàu có, giấu tên người Thổ Nhĩ Kỳ. Trùm kinh doanh mang quốc tịch Anh Aga Khan mất khoảng 18 triệu Euro. Không ai trong số các đại gia mất tiền muốn thổ lộ với báo chí về việc đó.
"Mọi thứ về câu chuyện này thật khác thường. Bọn tội phạm cả gan mạo danh một vị bộ trưởng Pháp đương nhiệm, rồi gọi điện cho các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chính phủ khắp thế giới để đề nghị hỗ trợ các khoản tiền cực lớn. Thật quá táo tợn", luật sư của ông Le Drian cho hay.
Nhà chức trách Pháp vẫn đang điều tra vụ việc. Nghi phạm chính được nhận diện là Gilbert Chikli, một nghệ sĩ lừa đảo mang hai quốc tịch Israel và Tunisia, từng lớn lên ở thủ đô Paris, Pháp. Chikli từng có tiền án lừa đảo tiền của các công ty Pháp bằng cách đóng giả giám đốc điều hành của họ, cũng như âm mưu lừa chính phủ Tunisia trả tiền mua nhiều trực thăng Tiger mà nước này thực tế chưa bao giờ đặt mua.
Chikli và cuộc sống sang chảnh trước khi bị bắt năm 2017. Ảnh: CBS |
Năm 2015, Chikli từng bị xét xử vắng mặt và bị kết án 7 năm tù giam vì tội lừa đảo các công ty Pháp. Song, hắn đã nhanh chân cao chạy xa bay đến Israel, nơi từ chối dẫn độ các công dân của nước này.
Tuy nhiên, vận may cuối cùng cũng chấm dứt khi Chikli quyết định tới Ukraina vào tháng 8/2017. Hắn bị bắt ở Ukraina theo yêu cầu của nhà chức trách Pháp. Khi sa lưới cảnh sát, Chikli khai rằng, hắn tới Ukraina trong chuyến hành hương đến nơi an nghỉ của một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng. Song, cảnh sát tìm thấy bằng chứng trên điện thoại cho thấy hắn đến đây để mua mặt nạ silicon.
Trong lúc bị tạm giam ở Kiev, Chikli thể hiện đúng bản chất của một kẻ nổi tiếng tự kiêu. Hắn đã hối lộ các cai ngục để có được một chiếc tủ lạnh chứa đầy món bò bít tết và rượu vodka, quay video rồi đem khoe lên mạng xã hội. Trong video, Chikli cũng chế nhạo hệ thống tư pháp của Pháp.
Chikli lắng nghe cáo trạng tại Tòa án phúc thẩm ở Kiev hồi tháng 9/2017. Ảnh: Daily Mail |
Tuy nhiên, đây có thể là ý kiến tồi. Ngay sau khi được thả, Chikli gần như bị bắt lại ngay lập tức ở Ukraina và lần này hắn bị dẫn độ sang Pháp.
Siêu lừa bị giam giữ ở Pháp kể từ năm 2017. Tuy nhiên, chuyện lừa đảo vẫn chưa kết thúc khi hắn đã ngồi sau song sắt trại giam.
Hồi đầu năm nay, vụ lừa đảo "Le Drian giả" lại tái diễn. Các đại sứ quán Pháp ở nước ngoài bắt đầu nhận được các thông báo từ Bộ trưởng châu Âu và các vấn đề đối ngoại yêu cầu "những người bạn của Pháp" đầy quyền lực, kể cả các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ các nước châu Phi, gửi tiền theo cách thức tương tự như của Chikli.
Tháng 2/2019, ba người Pháp gốc Israel bị bắt gần Tel Aviv vì tình nghi dính líu đến vụ việc. Chuyện lừa đảo chấm dứt ngay sau đó. Hiện vẫn chưa rõ ba nghi phạm trên chỉ đang bắt chước phương thức lừa đảo của Chikli hay là tòng phạm của chúng. Nhà chức trách Pháp vẫn chưa công bố các kết quả điều tra cuối cùng.
Tuấn Anh