Khi giá trị cây keo lai tăng mạnh, nhiều hộ dân đổ xô trồng nên không gian hành nghề gác kèo ong có phần bị hạn chế. Nhưng vẫn còn đó những người quyết tâm giữ cây tràm, giữ lại “vị ngọt” chính gốc của đất rừng U Minh Hạ thông qua nghề “ăn ong” độc đáo.
 
Nghề cha truyền con nối

Cứ mỗi khi hoa tràm kheo sắc là bắt đầu mùa “kiếm cơm” của những người dân làm nghề gác kèo ong. Ở vùng rừng U Minh Hạ, nói đến nghề gác kèo ong, gia đình ông Trần Văn Nhì (Út Nhì, ngụ ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) khá nổi tiếng, bởi hơn 40 năm trong nghề, ông vẫn giữ được nguyên hồn cốt của nghề “ăn ong” từ xưa đến nay.

Ông Út Nhì kể khi còn nhỏ xíu, thấy cha đi gác kèo, ông đã mê nhưng không được đi cùng. Nhiều lần, ông cùng đám bạn phải lén theo chân người lớn để học nghề. Rồi cũng tay cây, tay dao, ông cùng các bạn vào những đám sậy gần nhà gác kèo. “Ong thời đó nhiều vô kể, người lớn gác 10 cây kèo ăn 9 cây. Nhưng với tài học lóm, đám trẻ tụi tôi gác hơn chục cây kèo chỉ có một ổ ong nhỏ xíu. Lần đầu “ăn ong”, mỗi đứa bị ong đốt hơn chục mũi”- ông Út Nhì nhớ lại.

Mãi đến năm 12 tuổi, ông Út Nhì mới được ba cho theo học nghề. Theo thời gian, ông được truyền dạy từ cách quan sát, chọn điểm làm kèo cho đến cách làm kèo. Đam mê, chăm chút học nghề nhưng cũng mất khoảng 10 năm sau ông mới được xem là thợ “ăn ong” chuyên nghiệp.

{keywords}
Gác kèo ong là nghề cha truyền con nối ở đất rừng U Minh Hạ.

Theo ông Út Nhì, một người bình thường không thể tự học để giỏi nghề “ăn ong” mà còn phải có bí quyết riêng của gia đình truyền lại. “Khi gác kèo phải tìm nơi có cây sậy sống. Làm sao phải đảm bảo nắng buổi sáng rọi vô được và nắng chiều cũng rọi vô tới kèo thì ong mới đến làm tổ”- ông Út Nhì bật mí.

Năm nay đã 60 tuổi, bao nhiêu kinh nghiệm cha để lại được ông truyền hết cho con. Ấy vậy mà khi được chúng tôi gợi ý đi “ăn ong”, ông Út Nhì lại “ngứa nghề” và kêu con trai chuẩn bị dụng cụ. Dưới sự “chỉ đạo” của ông Út Nhì, cả đoàn 7 người chúng tôi nhảy lên vỏ lãi vào rừng...

Chuyến “ăn ong” nhớ đời

Trên đường đi, “trưởng đoàn” Út Nhì nhắc nhở chúng tôi rằng ong mật ở đây tự nhiên nên rất dữ. Ông và con trai đã gắn bó với đám ong rừng lâu ngày, chúng quen mùi thì không cần lưới để bảo vệ, còn những người khác trong đoàn phải chùm lưới bảo vệ thật kỹ. Đặc biệt, nếu không muốn bị ong đánh thì khi chụp ảnh tuyệt đối không được bật đèn.

Rời vỏ lãi, đi sâu vào rừng, trước mắt chúng tôi là tổ ong mật to bằng cánh cửa sổ. Anh Sáu Hận - người lớn tuổi nhất trong đoàn được ưu tiên quan sát và chụp ảnh trước, mới bước vào gần tổ ong, giơ máy ảnh lên nhưng chưa kịp bấm đã vội quay đầu chạy và thất thần kêu cứu.

Giọng ông Út Nhì vẫn cương quyết: “Không chạy ra được, chạy ra ong sẽ rượt theo đánh chết”. Vừa dứt lời ông Út Nhì cầm bó bùi nhùi đi đầu hướng thẳng về tổ ong. Chúng tôi thu người lại bước theo, anh Chơn yểm trợ cuối. Đoạn đường vào ổ ong chỉ hơn 10m nhưng dường như quá xa so với những người lần đầu “ăn ong” như chúng tôi.

Tiếp cận tổ ong, ông Út Nhì nhanh tay lấy vội miếng sáp trong tổ quăng cho con trai: “Nè, mùi của tổ, nó sẽ sợ hơn”. Anh Chơn lập tức nhét vào đầu bùi nhùi đang đỏ lửa, rồi thổi bùng làn khói trắng về phía chúng tôi. Những “chiến binh” ong bắt đầu dạt dần ra. Ông Út Nhì nhanh tay cầm miếng bùi nhùi đưa sát vào tổ, những con ong buộc phải bỏ tổ trước “chiêu độc” của lão thợ rành nghề.

Vừa hỗ trợ cha lấy mật, anh Chơn vừa chia sẻ khi đi lấy ong, bị chúng “đánh” là chuyện bình thường. Từ nhỏ, anh đã nếm trải điều đó nên riết thành quen, bây giờ bị ong đánh cũng như muỗi đốt. Tuy nhiên, điều cần chú ý là khi bị ong “đánh” tuyệt đối không được giết chết con ong nào, nếu không cả tổ ong sẽ bu đến đánh mình.

“Trời, không nói sớm. Bị đánh đau quá, tôi đập chết 2 con luôn rồi”- anh Sáu Hận nói. Anh Chơn cười rồi nói đây là bài học vỡ lòng cho những người khi bắt đầu vào nghiệp “ăn ong”. Riêng đối với những hộ dân có truyền thống bám rừng ở đây thì coi ong như bạn, như những đứa trẻ đáng yêu. “Chúng tôi coi tán rừng là nhà, những con ong là nguồn sống nên ai cũng trân quý, không bao giờ giết chúng”- anh Chơn bộc bạch.

Ðủ đầy nhờ ong

Ông Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Hợp tác xã 19-5 (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), cho biết hợp tác xã có 40 xã viên. Đơn vị chính là tiền thân của tập đoàn sản xuất nông nghiệp Phong Ngạn được hình thành từ thời kỳ trước đổi mới. Sau khi được chuyển thành hợp tác xã vào năm 2012, 500ha đất rừng tràm nơi đây vẫn được giữ nguyên để sản xuất. Trong khi chờ đợi tới chu kỳ thu hoạch thì mật ong chính là huê lợi trời cho để người dân ổn định cuộc sống.

Thời gian gần đây, cây keo lai khẳng định được vị thế, người dân xung quanh bỏ cây tràm đổ xô trồng keo lai nhưng 500ha rừng của hợp tác xã vẫn mơn mởn màu xanh tràm. “Không phải người dân nơi đây không muốn làm giàu mà do họ không muốn cô hẹp không gian sống của ong mật trong lâm phần. Họ không muốn hồn cốt của nghề “ăn ong” mà cha ông để lại mất đi. Đặc biệt, bà con nơi đây muốn giữ lại đúng “vị ngọt” của rừng tràm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận cho miền quê mình với nhãn hiệu “Mật ong U Minh Hạ”- ông Vững tâm sự.

Các hộ dân bám rừng hành nghề gác kèo ong nơi đây không phải chịu thua thiệt khi giá mật ngày một tăng cao. Nguồn thu này hằng năm cộng lại không kém cây keo lai khi đến kỳ thu hoạch. Cũng chính con ong mật giúp bà con có nhà cửa khang trang, cuộc sống đủ đầy.

"Động ổ rồi, đốt lửa lên!”, mệnh lệnh được trưởng đoàn Út Nhì phát ra. Anh Trần Văn Chơn (con trai ông Út Nhì) rút nhanh trong túi áo miếng sáp ong nhét vào bùi nhùi rơm rồi đốt lửa thổi khói về phía đàn ong túa ra khỏi tổ. Ông Út Nhì cùng bó bùi nhùi trong tay hỗ trợ nhưng có vẻ chưa đủ để làm đàn ong bớt hung hăng vì tổ bị xâm hại.

“Năm 2018, bình quân mỗi thành viên trong hợp tác xã kiếm được hơn 100 triệu đồng/vụ. Hộ gác giỏi thì mỗi năm bỏ túi 200-300 triệu đồng. Năm nay, rừng do hợp tác xã quản lý phần vừa thu hoạch, phần mới trồng lại nên ong về không nhiều. Đầu vụ đến nay hộ nào trúng mới chỉ được vài chục triệu đồng. Nhưng không sao, cây tràm đang lớn, ong sẽ về nhiều để đảm bảo cuộc sống cho những thợ “ăn ong” nơi đây”- ông Vững lạc quan chia sẻ.

(Theo Báo Cần Thơ)