Giỏi võ như Lý Hùng cũng gặp tai nạn trên trường quay "Kế hoạch 99", bộ phim hợp tác với Hong Kong khiến anh phải khâu 12 mũi và bị y tá "nhìn trộm" vòng 3.
Lý Hùng bị té tét mông
Trong phim Kế hoạch 99 có cảnh Lý Hùng đi vào cửa hàng mua thức ăn, bị nhóm sát thủ canh me dùng xe hơi tông thẳng vào người. Là một trinh sát có hạng, tất nhiên anh phải tung người bay lên nóc ca pô đầu xe, lăn mấy vòng trước khi té xuống đất, xem như thoát chết trong gang tấc.
Với ê-kíp của Hong Kong, chuyện quay các pha hành động này cũng không có gì to tát, nhất là Lý Hùng vốn con nhà võ, chỉ cần phối hợp ăn ý là mọi thứ ok ngay. Quả thật, sau những cú máy cắt tỉa từng góc quay: vô số, bánh xe lăn, cú vượt tốc rồi thắng gấp đều được thu hình khá ngọt. Ngay cả cảnh quay thử, Lý Hùng bay lên xe rồi lăn xuống đất cũng diễn ra tương đối ngon lành. Vậy mà khi hiệu lệnh quay vang lên thì mọi chuyện lại khác.
Cảnh quay nhớ đời của Lý Hùng với ê-kíp làm phim Hong Kong: Ảnh: Lữ Đắc Long.
Máy! Diễn! Chiếc xe lao nhanh đến điểm quy định, thắng gấp, Lý Hùng xoay người 180 độ, đồng thời phi thân lên nóc xe quá đẹp! Nhưng không hiểu sao, một tiếng rầm vang lên, kính xe bể tan nát, Lý Hùng như bị trúng đạn, kêu rên oằn oại trên nóc xe. Dù rất đau, anh vẫn cố gắng nằm yên, diễn tròn vai... Chỉ khi đạo diễn reo: “Good take”, cả đoàn phim mới nhốn nháo.
Cô thư ký trường quay la lớn: “Sai rắc-co rồi, anh ấy phải té xuống đất mới đúng!”. Anh phó đạo diễn thì lẩm bẩm: “Hình như anh ấy bị thương, máu chảy ra ướt quần kia kìa, ở đó mà rắc-co với rắc kiếc!”. Quả thật, khi đạo diễn chạy tới xem, đã thấy ngay một mảnh kính ghim thẳng vào... mông Lý Hùng, máu chảy lênh láng.
Mặt Lý Hùng xanh tái, chưa hiểu tại sao mình bị thương. Lập tức xe mười hai chỗ đặc chủng ở bệnh viện gần đó chạy ào vô, chở chàng đi cấp cứu. Trong tình thế nguy cấp, chàng tài tử đành phải nằm im cho cô y tá nhanh chóng... lột xiêm y nhằm tìm phương cứu chữa. Khổ nỗi đang hồi nguy kịch như thế mà cô y tá cứ nhìn chăm chăm vết thương cười. Hỏi một hồi cô ta mới tủm tỉm: “Sao cái mông anh ấy trắng thế!”.
Kết quả, mười hai mũi kim khâu vết thương, kèm theo một liều thuốc chống đau. Lý Hùng tiếp tục ra điểm quay, kiểm tra lại khung hình, mới biết do lực phóng lên xe của anh quá mạnh, cộng thêm cái đế giày quá cứng đập thẳng nên kính xe bể tan. Một mảnh cắm vào mông anh. Tất nhiên, đoàn phim phải cho thay tấm kính khác và Lý Hùng phải nén đau để hoàn tất những cảnh quay cuối cùng của phân đoạn khốc liệt này.
Đức Hải bế Việt Trinh đến… oằn cột sống
Trong phim Trót yêu có một cảnh quay như sau: Trước khi chết, người vợ (Việt Trinh) muốn anh chồng (Đức Hải) bế mình ra biển ngắm hoàng hôn lần cuối cùng, để nhớ lại những hạnh phúc vàng son một thời trước khi... tắt thở. Vì quá thương vợ, nên anh chồng đã bế cô vợ đi dọc bờ biển, rồi đi thẳng lên thành cầu tàu ở Nha Trang.
Bên cạnh sự lãng mạn của cha mẹ còn có cô con gái nhỏ vô tư cùng những bước chân líu lo, xem như cả gia đình đang vô cùng hạnh phúc. Nói thì dễ, nhưng khi quay cảnh này, cả đoàn phim gần như nháo nhào, bởi đạo diễn muốn có những góc quay lạ, thật đẹp, thật cảm động, lấy nước mắt người xem ở phân đoạn ấn tượng lâm ly bi đát này.
Quay lần một, Giám đốc hình ảnh (DOP) Nguyễn Duy cố dùng hết sức bình sinh “chơi” góc máy di động khi đặt máy quay trước mặt bằng một hệ thống treo tòn ten. Với cách quay này, sau lưng DOP là cả một nhóm đông hỗ trợ, người kéo dây điện, người mở đường đi vì nếu không khéo, quay phim sẽ... lọt xuống hồ nước là kể như toi công, toi của.
Đức Hải toát mồ hôi vì sức nặng của Việt Trinh. Ảnh: Lữ Đắc Long.
Cứ thế, tất cả tập trung cao độ nhằm chớp lấy những khoảnh khắc cảm động nhất cho cảnh quay. Ở vai trò anh chồng “lực lưỡng” cao trên 1 m8, Đức Hải cũng cố lấy sức bình sinh bế vợ Việt Trinh một cách điệu nghệ với tâm trạng tha thiết, kiểu “Ta bế vợ ta lần cuối, và ta sẽ yêu nàng đến trọn đời”. Cứ thế, vừa ẵm, vừa đi, vừa diễn tả tâm trạng đầy u uất, nên những bước chân nặng nề của Đức Hải làm cả không gian im ắng lạ thường.
Đoạn ẵm “em” thứ nhất từ phòng ngủ khách sạn ra dọc bờ biển hơn 200m, vừa gập ghềnh lại phải vừa diễn xuất, nên ẵm đến lần thứ... ba là xem như Đức Hải đã ngoắc ngoải. Đoạn thu hình thứ hai quy định Đức Hải đi dọc bờ biển lên cầu tàu dài hơn 300m. Lần này, Đức Hải nhà ta xem như ứ hự, bởi ẵm Việt Trinh càng lúc càng thấy nặng, dọc cột sống anh đau buốt.
Đạo diễn vốn cẩn thận, quay phim muốn chăm chút khung hình hoàn hảo, riêng nàng Việt Trinh thì sợ... xấu trước khi chết nên cứ sau mỗi lần quay đều năn nỉ DOP cố gắng quay thêm để về dựng phim cho thật hiệu quả. Mỗi người mỗi yêu cầu khác nhau, cứ nháo nhào cả một góc biển, nhưng khi thấy Đức Hải xây xẩm đứng thở hồng hộc vì quá mệt sau khi bế “em” gần một tiếng đồng hồ thì đạo diễn bắt đầu sợ anh... quạu, nên vội tuyên bố: “Thôi đủ rồi, giờ quay nữa là Đức Hải chắc xụm bà chè mất!”. Câu nói chí lý của đạo diễn làm Đức Hải nhà ta hoan hỷ... tuôn mồ hôi hột!
Khổ thân bình hoa... giả
Trong phim Thám tử miệt vườn của đạo diễn Võ Tấn Bình có cảnh quay nhóm thám tử gồm Nhã Phương, Ngọc Thuận, Nhan Phúc Vinh đột nhập vào nhà ông trùm (Nguyên Khôi) phá đường dây buôn bán ma túy. Biết mình bị bại lộ, ông trùm nhanh trí xử đẹp tên đàn em để lộ chân tướng, bằng cách chụp bình hoa đập thẳng vào đầu tên này đến... phun máu.
Chỉ mới đọc kịch bản thôi, anh đóng vai giang hồ đã xanh mặt. Không xanh sao được khi ông trùm Nguyên Khôi vốn là võ sư thứ thiệt, lại được đạo diễn khích lệ: “Tôi thích quay thật, không chơi cắt ghép, một take ăn ngay. Anh cứ đập như thật, chính xác điểm cho tôi! Có chuyện gì tôi lo”.
Trước thái độ dứt khoát của đạo diễn, cả hai diễn viên đóng vai giang hồ và ông trùm đều... run, bởi nếu lỡ tay, chuyện nứt sọ não là có thật. Để hạn chế nguy hiểm, cả hai cố gắng tập thử nhiều lần. Ông trùm lột tả cảm xúc giận dữ bằng cách lấy cuốn kịch bản vo tròn lại, đập thẳng vào đầu anh giang hồ nhiều lần cho... chắc ăn.
Máy! Diễn! Qua hai câu thoại đối đáp, ông trùm tức giận la hét, lao tới túm áo, lên gối, đấm thẳng vào mặt tên đàn em cái bốp khiến hắn văng ra ngoài. Ông trùm chụp luôn bình hoa trên bàn, nhưng do hơi khớp, anh đập... sượt qua đầu tên đàn em cái... xẹt. Bình bể tan tành, nhưng đầu người bị đập không đổ máu như dự định. Cắt! Tiếng đạo diễn la làng: “Chết tôi rồi! Đập hụt rồi anh ơi. Quay lại!”.
Tổ thiết kế đem đến bình hoa thứ hai, kèm theo lời dặn ông trùm: “Cái bình này mấy trăm ngàn, phải đặt trước mới có. Giờ chỉ còn một cái, anh cố gắng diễn chính xác, nếu không được là... xong phim”. Cả hiện trường im phăng phắc hồi hộp. Đạo diễn lại công bố: “Đây chỉ là cái bình giả, không việc gì phải sợ, cứ đập thoải mái cho tôi”.
Nghe thì nghe, nhưng run thì vẫn run, không khí nặng nề trôi qua một cách ù lì. Trước khi diễn, ông trùm tới động viên đàn em trong phim nhưng là đàn anh ở bên ngoài: “ ôi anh ráng cho em đập một phát nhe, chứ diễn không tới đạo diễn chửi thì anh em mình quê lắm”. Đàn em trong phim cười như mếu.
Tất cả sẵn sàng. Máy! Diễn! Lần này thể hiện sự tập trung cao độ, ông trùm la to giận dữ như muốn ăn tươi nuốt sống đàn em. Vừa la hét ông vừa túm áo đánh, thuận tay cầm cái bình quất thẳng vào đỉnh đầu tên đàn em cái bốp. Bình bể tan, rất tuyệt. Cả đoàn phim nín thở, vừa hồi hộp vừa vui vì cảnh diễn quá tuyệt vời. Cắt! Tiếng đạo diễn lại vang lên bực dọc: “Chết tôi rồi mấy cha! Bị đập bể nguyên cái bình bông trên đầu mà không thấy đau đớn gì hết là sao?”.
Cả đoàn ngớ ra ngạc nhiên. Lúc này, tên đàn em mới ỏn ẻn phân trần: “Dạ, em rất tập trung, thấy anh ấy đập đầu đàng hoàng, nhưng đập lẹ quá, em không thấy đau thì làm sao diễn... đau!”. Đến lúc này, cả đoàn mới vỡ lẽ, do cái bình hoa giả quá dễ bể, nên mới có chuyện đập đầu phun máu mà... hổng đau là vậy. Sau cảnh quay “chảy máu không đau” đoàn phim phải ngưng chơi mấy bữa chờ tổ thiết kế đi đặt lại cái bình khác để quay lại!
Tông vào kính, lao vô kính, té vô kính, thậm chí đập đầu vô kính... là những cảnh quay khá mạo hiểm để tạo nên tình huống hấp dẫn cho phim. Khán giả xem phim rùng mình thán phục nhưng với người đóng phim thì đôi khi...
NSND Lý Huỳnh chọn người chết với kính
Cũng trong lần quay phim Kế hoạch 99, tay chỉ đạo võ thuật Hồng Kông yêu cầu cung cấp một cascadeur đánh nhau với Lý Hùng vài chiêu, và kết cảnh bằng cú giật chỏ, tay cascadeur bật ngửa ra sau, đập đầu vô tấm kính xe hơi của Lê Tư rồi... chết. Trong trận đấu này, ngoài các đòn thế diễn viên đánh nhau đẹp, phần thu hình cũng rất mỹ mãn, nhưng đến cảnh Lý Hùng giật chỏ vào mặt để anh chàng cascadeur đập đầu vô kính là có vấn đề.
Đúng luật phải có nón bảo hiểm để an toàn hơn, đằng này, tay chỉ đạo Hồng Kông cứ xí xô một tràng tiếng Hoa với ngụ ý: Anh cứ đập đầu thoải mái vô tấm kính, ở Hồng Kông chuyện này làm dễ ẹc à. Phía cascadeur tất nhiên không chịu liều mạng, tiền có được bao nhiêu, lỡ nứt sọ não ai vô đây chịu?
Cascadeur Quốc Thịnh trong phim Kế hoạch 99. Ảnh: Lữ Đắc Long.
Đang hồi gay cấn, chỉ đạo võ thuật kiêm sản xuất Lý Huỳnh xuất hiện, hiểu rõ nguyên nhân, cười ha hả: “Hiểu lầm thôi! Đây là tấm kính giả bằng đường hóa chất được chở qua từ Hồng Kông, chỉ để dành cho những cảnh quay đặc biệt như thế này, các em cứ làm thoải mái, có chuyện gì tôi lo hết”. Nói thì nghe, nhưng khi sờ vào tấm kính ai cũng nổi da gà. Kính giả gì mà y như kính thật, cũng 5 ly, cứng ngắc, trong veo..., nếu sơ suất là toi mạng chứ hổng chơi!
Máy! Diễn! Cả phim trường im lặng. Mặt chàng cascadeur lộ rõ phần căng thẳng. Lý Hùng đầy hưng phấn và sau tiếng hét giựt chỏ vào mặt đối phương, anh cascadeur bật ngửa ra sau, đầu đập thẳng vô cửa kính xe hơi. Beng! Tiếng kính vỡ toang, anh chàng lảo đảo rồi... sụp xuống chết ngay cửa kính. Good take. Bên ngoài đồng loạt vỗ tay.
Chỉ ba giây sau, chàng cascadeur mở mắt, sờ tay vô đầu thấy vẫn y nguyên, mừng quá hét lên như vỡ xóm. Đang hồi xôm tụ, chàng cascadeur bỗng nhìn Lý Huỳnh rồi xin ý kiến: “Chú ơi, cho con đóng lại cảnh này đi chú, hồi nãy đập đầu nhanh quá con chưa có cảm giác... đau”.
Lý Huỳnh từ tốn phân giải: “Tấm kính này giá 500 đô la, chở từ Hồng Kông qua Việt Nam phí vận chuyển thêm 500 đô nữa. Con có biết mỗi lần đập vô một tấm là chú tốn một ngàn đô không? Bộ muốn đập là đập sao con!”. Nghe đến đây, mấy anh chàng cascadeur kế bên tỏ ra tiếc nuối. Hóa ra muốn có cảm giác đập đầu vô kính... giả đâu phải dễ!
Trích sách "Hậu trường phim ảnh"