Thomas Piketty, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Vốn trong Thế kỷ 21", vừa đưa ra một lập luận gây sốc mới về bất bình đẳng thu nhập.
Theo Jim Tankersley của báo Washington Post, cách lý giải mới này có thể gây tranh cãi gay gắt hơn nhiều so với cuốn sách hiện nằm trong danh sách bán chạy nhất ở Mỹ và đang tiếp tục dậy sóng tranh luận trong giới kinh tế và chính trị.
Lập luận mới mà mới đây Piketty đã đề cập trên báo Le Monde của Pháp là: Bất bình đẳng là nguồn cơn chính của chủ nghĩa khủng bố Trung Đông, bao gồm các cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào Paris hồi tháng 11, và chính các nước phương Tây đã gây ra sự bất bình đẳng đó.
Tác giả Piketty viết rằng, hệ thống chính trị và xã hội ở Trung Đông đã trở nên mong manh bởi mức giàu có cao độ nhờ dầu lửa chỉ tập trung ở một vài nước ít dân. Nếu xem xét khu vực giữa Ai Cập và Iran, trong đó có Syria, thì sẽ thấy một số nền quân chủ nắm trong tay 60-70% của cải, trong khi chỉ hơn 10% trong 300 triệu dân sống ở khu vực đó.
Về điểm này, theo báo Washington Post, Thomas Piketty đã không nêu cụ thể những nước nào. Tuy nhiên, từ một nghiên cứu mà ông là đồng tác giả hồi năm ngoái về bất bình đẳng ở Trung Đông, thì có vẻ như các quốc gia đó bao gồm Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Kuwait, Ảrập Xêút, Bahrain và Oman.
Và với những con số ông nêu, thì họ chỉ chiếm 16% dân số của khu vực trong năm 2012 nhưng chiếm khoảng 60% tổng GDP.
Piketty cho rằng, thực tế này đã đẩy khu vực vào danh sách "bất bình đẳng nhất hành tinh". Không chỉ có thể, theo Piketty, trong nội bộ các nền quân chủ đó, chỉ một số ít người kiểm soát hầu hết của cải, trong khi phần lớn còn lại - gồm phụ nữ và người tị nạn - ở cảnh ngộ "bán nô lệ".
Những điều kiện kinh tế như thế, theo Piketty, đã trở thành cái cớ cho các thánh chiến binh viện đến, bên cạnh tình trạng thương vong ở một loạt các cuộc chiến trong khu vực mà các cường quốc phương Tây theo đuổi. Tình trạng kinh tế kết hợp với nỗi căm thù chiến tranh đã tạo nên "thùng thuốc súng" cho khủng bố lan khắp khu vực.
Piketty đặc biệt gay gắt khi cáo buộc sự bất bình đẳng trong khu vực và sự tồn tại trường kỳ của các vương quốc dầu mỏ là do phương Tây.
"Đây là những chế độ được các cường quốc phương Tây ủng hộ cả về quân sự lẫn chính trị, tất cả đều vui mừng chi vài đồng lẻ cho các câu lạc bộ [bóng đá] của họ hoặc bán một số vũ khí. Rõ ràng, bài học của chúng ta về dân chủ và công bằng xã hội nhận được rất ít sự đón nhận trong giới trẻ Trung Đông".
Piketty chỉ ra rằng, khủng bố bén rễ từ bất bình đẳng được giải quyết tốt nhất bằng kinh tế.
Để giành được niềm tin với những người không có phần trong khối tài sản khổng lồ của khu vực, các nước phương Tây nên quan tâm hơn đến phát triển xã hội của khu vực, hơn là theo đuổi các lợi ích tài chính của riêng mình và các mối quan hệ với những gia đình nắm giữ quyền lực.
Cách thức để làm điều này, theo ông, là đảm bảo tiền thu được từ dầu lửa ở Trung Đông được chi vào "phát triển khu vực", trong có nâng cao giáo dục.
Thanh Hảo