PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, trong những ngày qua khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, nhiều ý kiến đặt câu hỏi tại sao lại giãn cách từng tỉnh, khu vực mà không giãn cách toàn quốc.
PGS Phu giải thích, Việt Nam thực hiện giãn cách hay phong toả căn cứ theo nguy cơ, nguy cơ ở mức nào thì lựa chọn giãn cách phù hợp ở mức đó.
Vừa qua, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có Quyết định 2686 quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19. Theo các mức độ, có thể giãn cách, phong toả từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh, thành phố, khu vực và kể cả phạm vi toàn quốc.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 nguy cơ cao ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An… Căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đồng ý áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
“Đây là những tỉnh có mối giao lưu, quan hệ vùng rất lớn và bản thân các tỉnh đã có dịch rải rác. Đây là một biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan giữa các tỉnh trong khu vực với nhau, đặc biệt tránh dịch từ TP.HCM lan rộng ra các tỉnh khác”, PGS Phu phân tích.
Theo PGS Phu, thông qua đợt giãn cách lần này, không chỉ bảo vệ cho các tỉnh khác có nguy cơ thấp hơn trong khu vực mà cũng chính là bảo vệ cho những vùng, những huyện có nguy cơ thấp hơn trong mỗi tỉnh, thành phố.
“Dù vậy, giãn cách như nào đi nữa vẫn phải thực hiện rất nghiêm, tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lỏng, không mang lại hiệu quả”, PGS Phu nhấn mạnh.
Tùy tình hình dịch bệnh, đặc điểm kinh tế xã hội, mỗi địa phương có cách triển khai, áp dụng Chỉ thị 16 phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả nhưng không ảnh hưởng "không đáng có" tới an sinh xã hội của người dân.
Đặc biệt trong giãn cách, phải lưu ý đến phân phối hàng hoá thiết yếu, sắp xếp lại để không ách tắc hay vô tình tạo ra các đám đông làm lây lan dịch bệnh.
Các địa phương phải lưu ý đến vấn đề xe liên tỉnh, liên huyện, không nên đặt ra những barie gây cản trở hay các giấy xét nghiệm không cần thiết, trái với các quy định của các cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến hiện tượng một số người dân tự đi mua bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, PGS Phu cảnh báo không nên tự ý dùng.
PGS Phu cho biết, các loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng. Hiện tại chỉ có cơ sở y tế mới được thực hiện các xét nghiệm này.
“Do đó, người dân không nên mua và tự làm xét nghiệm nhanh tránh trường hợp làm sai lệch kết quả do không biết cách dùng, không biết cách lấy mẫu hoặc mua phải sản phẩm trôi nổi không đảm bảo chất lượng”, PGS Phu nói.
PGS nói thêm, xét nghiệm nhanh có độ nhạy cao hơn trong 2-7 ngày đầu, sau 7 ngày khi nồng độ virus ít đi, độ chính xác của xét nghiệm nhanh có thể giảm, khó phát hiện ra người dương tính.
Xét nghiệm nhanh chỉ có ý nghĩa tại thời điểm xét nghiệm cho thấy người đó cơ bản không dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp lấy mẫu quá sớm (sau 1 ngày nhiễm) có thể không phát hiện ra và không loại trừ trường hợp âm tính giả.
Sau xét nghiệm, nếu người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, vẫn có nguy cơ nhiễm virus.
Do đó hiện nay nhiều tỉnh thành đều quy định, test nhanh Covid-19 chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ.
Thúy Hạnh
Cùng VietNamNet chung tay đẩy lùi dịch Covid-19
Với số lượng hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Hơn 28.000 bệnh nhân Covid-19, y tế TP.HCM có quá tải?
Y tế TP.HCM đang chịu gánh nặng rất lớn, đủ đáp ứng kịch bản 30.000 ca mắc, nhưng nếu hơn nữa cần Trung ương hỗ trợ.