Trong chiến dịch tấn công tầm xa, mục tiêu của Ukraine là dùng dàn máy bay không người lái (UAV) phá hủy các kho chứa tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nằm trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, những cuộc tập kích gần đây cho thấy mục tiêu của Ukraine đã được mở rộng, và nhắm tới cả các nhà máy ethanol của Nga.
"Không quân Nga không thể hoạt động nếu không có cồn", tờ Kyiv Independent dẫn lời ông Andrii Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm chống thông tin sai lệch thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine.
Bình luận hôm 28/10 của ông Kovalenko được đưa ra sau khi có thông tin một nhà máy ethanol ở vùng Voronezh của Nga bị tấn công vào tối hôm trước.
Ông Kovalenko không đề cập đến thói quen uống rượu của các phi công Nga, mà nhắc tới việc cồn được sử dụng để sản xuất nhiều loại mặt hàng hàng ngày như nước súc miệng, sơn, cho đến các sản phẩm cấp quân sự để duy trì hoạt động của Không quân Nga.
"Từ nhiên liệu đến hệ thống phanh, từ chất lỏng phục vụ nhu cầu kỹ thuật, vệ sinh, đến chất chống đóng băng. Tất cả đều là từ cồn", ông Kovalenko cho biết.
Mở rộng mục tiêu
Cho tới nay, phương Tây vẫn không chấp thuận để Ukraine sử dụng các loại vũ khí như tên lửa ATACM do Mỹ sản xuất và Storm Shadows của Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, dù Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần đề nghị. Thậm chí, hồi tháng 9, Nhà Trắng tuyên bố Nga đã di chuyển 90% máy bay ra khỏi tầm bắn của các tên lửa tầm xa như ATACMS.
Trong khi đó, Kiev đặc biệt hy vọng có thể sử dụng các loại vũ khí này để tấn công căn cứ không quân Nga, phá hủy dàn máy bay quân sự như oanh tạc cơ Tu-22 chuyên phóng tên lửa vào các thành phố của Ukraine.
Nguyên nhân là các căn cứ không quân Nga vẫn nằm trong tầm bắn của UAV tầm xa Ukraine, nhưng hiệu quả của chúng kém hơn nhiều so với tấn công bằng tên lửa ATACM hoặc Storm Shadow khi nhắm vào các mục tiêu được bảo vệ kỹ lưỡng.
"UAV tấn công một chiều thường có đầu đạn khá nhỏ, nên sẽ không giống như tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình", nhà nghiên cứu Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) chia sẻ với tờ Kyiv Independent.
Tuy nhiên, UAV lại có khả năng gây ra tác động cực lớn khi chúng tấn công các mục tiêu dễ cháy, và ít được bảo vệ hơn như các nhà máy ethanol.
Vụ tấn công đầu tiên của Ukraine vào các nhà máy ethanol của Nga là vào đêm 22/10, khi UAV Ukraine gây ra hỏa hoạn lớn tại nhà máy rượu Biokhim ở thị trấn Rasskazovo.
Theo thông tin trên trang web của Biokhim, nhà máy này sản xuất "các sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc gia Nga" mà cụ thể là ethanol.
Cũng trong đêm 22/10, 2 nhà máy rượu khác tại các khu Efremov và Luzhkovsky ở vùng Tula của Nga cũng bị tấn công.
Tiếp đó, truyền thông Nga đưa tin vào tối ngày 27/10, UAV Ukraine đã nhắm vào các nhà máy chưng cất ở vùng Voronezh của Nga.
"Việc tập kích vào các nhà máy chưng cất chính là đòn tấn công nhằm vào máy bay Nga để giảm năng lực của chúng", ông Kovalenko nhấn mạnh.
Song chuyên gia Peter Layton, cựu sĩ quan Không quân Australia, cho rằng chiến thuật của Ukraine nhắm vào các nhà máy sản xuất ethanol khó có thể gây ra tác động nghiêm trọng đối với hàng không quân sự Nga.
"Mặc dù nghe có vẻ hợp lý, nhưng các cuộc tấn công như này sẽ rất khó tạo ra được tác động lâu dài, ngay cả trong mùa đông", ông Layton nói.
Theo ông Layton, ethanol "có sẵn trên toàn cầu". Ngay cả khi toàn bộ sản lượng của Nga bị phá hủy, Trung Quốc vẫn có thể nhanh chóng trở thành nguồn cung.
"Có thể nhanh chóng có được các kho dự trữ mới nhờ mua hàng trên thị trường thế giới. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất ethanol của Nga có khả năng chỉ dừng hoạt động trong một thời gian ngắn cho đến khi sửa chữa xong", ông Layton kết luận.