Tầm quan trọng của các BXH ĐH thế giới
Thống kê của Ranking Web of Universities cho thấy, số lượng các trường ĐH hiện có trên toàn cầu tính đến tháng 7/2020 là 30.586 trường. Con số này cho thấy lý do vì sao các BXH ĐH thế giới có tầm quan trọng, bởi đây là cách nhanh chóng và tin cậy để so sánh danh tiếng và chất lượng của các trường ĐH.
Trên thế giới hiện nay có nhiều BXH ĐH, nhưng phổ biến và uy tín với quy mô toàn cầu, có thể kể đến Quacquarelli Symonds World University Rankings (QS Rankings) và Times Higher Education World University Rankings (THE Rankings).
Thứ hạng cao trên bảng xếp hạng ĐH là cơ sở để các trường ĐH thu hút các nghiên cứu sinh xuất sắc, các nhà tài trợ, các đối tác có chuyên môn và uy tín, các nhà tuyển dụng, và có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong và ngoài nước về các chương trình nghiên cứu hay các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường. Các sinh viên quốc tế cũng dựa trên các BXH ĐH như một nguồn tham khảo tin cậy để chọn trường phù hợp với lộ trình học tập của bản thân.
Mặt khác, xét trên bình diện quốc gia, BXH ĐH cũng giúp tăng vị thế cạnh tranh của ngành giáo dục. Do đó, xếp hạng ĐH đã trở thành một phần tất yếu trong chiến lược cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và mở rộng quan hệ đối tác của các trường ĐH muốn vươn ra tầm quốc tế.
Bảng xếp hạng giáo dục giúp tăng vị thế cạnh tranh của một trường ĐH ở tầm quốc tế |
Bí quyết lọt top của các trường ĐH New Zealand
Trong số hàng chục nghìn cơ sở giáo dục được đánh giá, New Zealand, một quốc gia với dân số chỉ gần 5 triệu người và 8 trường ĐH đã liên tục có mặt trong top 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới.
Việc New Zealand đã làm điều đó như thế nào cũng là chủ đề đã được nhiều diễn giả quốc tế thảo luận trong sự kiện Tuần lễ Giáo dục New Zealand dành cho các Đối tác khu vực Châu Á (NZPWW) vừa qua. Các khách mời là đại diện từ Tổ chức QS, 5Rs Partnership và các trường ĐH của New Zealand đã chia sẻ các nguyên lý và những thực hành cụ thể về việc làm sao cải thiện thứ hạng trên bản đồ giáo dục quốc tế.
Mặc dù mỗi BXH có bộ tiêu chí khác nhau, nhưng tựu chung các BXH đều có các hạng mục liên quan tới sinh viên quốc tế, hợp tác quốc tế, chất lượng - năng suất nghiên cứu và nguồn thu từ các công trình nghiên cứu.
Do đó, chiến lược chung của các trường ĐH New Zealand là tập trung cải tiến những chỉ tiêu của một trường đại học chuẩn quốc tế, xây dựng trải nghiệm xuất sắc cho sinh viên quốc tế và thương mại hóa những công trình nghiên cứu để thu hút nhân tài, tạo nguồn thu bền vững cho trường.
Một trong các chiến lược của 8 trường top 3% của New Zealand là xây dựng trải nghiệm xuất sắc cho sinh viên quốc tế |
GS. Guy Littlefair - Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác Quốc tế, ĐH AUT cho biết: “Với hướng tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm, chúng tôi đáp ứng những gì sinh viên cần ở hiện tại, đồng thời cung cấp một nền tảng giáo dục cần thiết cho những định hướng tương lai của các em.
Chúng tôi trang bị cho sinh viên những kỹ năng mà nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm trong tương lai, bao gồm kỹ năng giao tiếp trên nhiều nền tảng số khác nhau và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới”.
Bên cạnh đó, ĐH Waikato (New Zealand) cũng thành lập một đội ngũ nghiên cứu các nhóm chỉ tiêu trong bảng xếp hạng, từ đó đưa ra đề xuất phù hợp như cải thiện số lượng và chất lượng của công bố nghiên cứu và trích dẫn khoa học, gia tăng số lượng sinh viên và tăng cường hợp tác quốc tế. Đội ngũ này còn có nhiệm vụ tìm kiếm những BXH phù hợp với thế mạnh của trường.
GS. Trevor Drage - Phó Trưởng phòng Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn cầu, ĐH Waikato cho biết thêm, là một trường ĐH trẻ, Waikato nhắm đến bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 - dành cho các trường ĐH có lịch sử phát triển dưới 50 năm. Việc có tên trong BXH này giúp trường xây dựng hình ảnh và sự công nhận trong khi vẫn tiếp tục nỗ lực để cạnh tranh với các ĐH lâu đời hơn.
Chia sẻ về chiến lược thương mại hóa các công trình nghiên cứu, GS. Indrawati Oey - Trưởng Bộ môn Khoa học Thực phẩm của ĐH Otago (New Zealand) trình bày, việc thương mại hóa giúp trường thiết lập cơ hội hợp tác với các nhà tài trợ cũng như Chính phủ trong những lĩnh vực nghiên cứu nổi bật của trường. Tiêu biểu là ngành Khoa học thực phẩm của trường nhận được nhiều các khoản tài trợ từ trong và ngoài nước. Các công trình nghiên cứu có cơ hội ứng dụng rộng rãi trong thực tế, từ đó góp phần tăng danh tiếng cho trường.
Những chia sẻ trên là một phần trong diễn đàn lớn tại sự kiện New Zealand Partners Workshop Week (NZPWW) được tổ chức bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ). Cụ thể hơn về những bài học kinh nghiệm của New Zealand trong việc duy trì xếp hạng giáo dục ĐH, đăng ký tại http://bit.ly/NZPWWVietnam6 để xem lại bản thu phần trình bày của các diễn giả quốc tế được lưu trên nền tảng trực tuyến của sự kiện cho đến hết ngày 16/7/2021. |
Ngọc Minh