Theo tờ War Zone, điều này cũng nhấn mạnh những thách thức nghiêm trọng mà các lực lượng phòng không thuộc quân đội Mỹ đang phải đối mặt trong việc phân biệt giữa UAV đồng đội và thù địch. Đáng nói, UAV và đạn lảng vảng đang được sử dụng phổ biến hơn bao giờ hết, ngay cả trong các hoạt động liên quan tới những đơn vị rất nhỏ.
Trung tá Michael Pruden, quan chức Bộ tư lệnh tích hợp và phát triển chiến đấu của Thủy quân lục chiến Mỹ, cho hay "điều thú vị đến từ Israel là 40% số UAV bị họ bắn hạ lại là của chính mình”.
Tuy nhiên, ông Pruden không cung cấp số liệu cụ thể như địa điểm, và thời gian các UAV bị bắn nhầm. Ông cho hay số liệu được lấy từ những hoạt động quân sự gần đây của Israel mà đặc biệt là cuộc chiến của Israel nhằm vào nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza.
Kể từ tháng 10/2023, Hamas cùng các lực lượng được Iran hậu thuận ở Trung Đông, và bản thân Iran đã phóng hàng loạt UAV tấn công các mục tiêu ở Israel.
"Khi Israel tấn công ở Dải Gaza, và khi họ đang ở tiền tuyến, họ nhìn thấy 1 UAV nhỏ, họ sẽ làm gì nếu chưa thể nhanh chóng xác định nguồn gốc của UAV? Họ sẽ bắn hạ nó", ông Pruden giải thích.
Theo ông, đây là phản ứng mặc định, bởi thời gian từ lúc phát hiện UAV đến khi nó bắt đầu tấn công chỉ là “vài giây”.
Israel đã phải đối mặt với vô số mối đe dọa từ UAV trước cả thời điểm Hamas bất ngờ tấn công vào miền nam Israel hồi tháng 10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng.
Quân đội Israel cũng từng thừa nhận nhiều lần vô tình bắn hạ UAV đồng đội. Trên thực tế, Israel được cho sở hữu hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, việc họ bắn nhầm UAV của chính mình cho thấy đây không chỉ là thách thức nhận dạng mục tiêu với quân đội Israel, mà còn cả với quân đội các nước khác trong quá trình chiến đấu.
Điển hình, hồi tháng 2, tàu khu trục lớp Sachsen FGS Hessen của Hải quân Đức đã suýt bắn hạ UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bay qua Biển Đỏ. Điều này đã nhấn mạnh sự phức tạp hiện hữu trong các hoạt động chung giữa những đối tác liên minh nước ngoài.