Tuyên bố trên là của thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của Tổng thống Trump.
"Tâm trạng của ông ấy là, tiến đến Thông điệp Liên bang (ngày 4/2) với chuyện luận tội đã lùi hẳn phía sau, và nói về những gì ông ấy muốn làm trong phần còn lại của năm 2020 cùng những điều ông ấy muốn thực hiện trong 4 năm tới", Lindsey Graham nói trên chương trình Fox News Sunday.
Ảnh: Reuters |
Phiên xử luận tội ở Thượng viện sẽ bao gồm lời chứng của các cố vấn cấp cao của Trump trực tiếp biết chuyện ông gây sức ép đòi Ukraina điều tra các đối thủ chính trị. Nhưng Nhà Trắng chỉ ra rằng ông Trump sẽ dùng đến đặc quyền hành pháp để ngăn những cố vấn như vậy ra làm chứng, và điều này sẽ tạo ra một cuộc chiến tòa án mà có khiến phiên xử kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí lâu hơn.
"Chuyện này càng kết thúc sớm thì càng tốt hơn cho đất nước này", ông Graham bình luận.
Tối ngày 18/1, những người Dân chủ ở Hạ viện và đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đều đã vạch ra "hành trình" của họ tới phiên xử ở Thượng viện. Các "luận tội gia" ở Hạ viện - đóng vai trò là các công tố viên - tuyên bố Tổng thống phải bị phế truất vì đã đặt sự nghiệp chính trị của bản thân lên trước niềm tin của người dân và tìm cách che giấu sự phản bội đó khỏi Quốc hội và người dân Mỹ.
"Tổng thống đã phản bội người Mỹ và những lý tưởng mà dựa vào đó đất nước này được thành lập", phe Dân chủ kết luận.
Trong một đơn phản hồi, Nhà Trắng đã trả lời trát triệu tập của Quốc hội thông báo tới Trump về những cáo buộc chống lại ông và mời ông dự tòa. Bản tóm tắt 6 trang tuyên bố "Tổng thống phủ nhận thẳng thừng và rõ ràng mỗi một và tất cả các cáo buộc trong cả hai điều khoản luận tội".
Được ký bởi Pat Cipollone - luật sư Nhà Trắng, và Jay Sekulow - luật sư riêng của ông Trump, văn bản này cáo buộc phe Dân chủ đã có "nỗ lực trơ trẽn và bất hợp pháp nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2016 và can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020...".
Ngày 20/1, Alan Dershowitz, một giáo sư luật tại Đại học Harvard tham gia đội ngũ pháp lý của ông Trump, nói với CNN rằng các cáo buộc chống lại Tổng thống là không thể luận tội được, bởi lạm dụng quyền lực không cấu thành "tội nặng nhẹ" như được quy dịnh trong Hiến pháp Mỹ là cơ sở luận tội.
Tổng thống Trump bị cáo buộc đã gây áp lực đòi Ukraina điều tra các thông tin có hại cho cha con Joe Biden, một trong các đối thủ Dân chủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Nhà lãnh đạo Mỹ bị tố đưa ra hai thứ làm con bài mặc cả với Kiev - đó là giữ lại khoản 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraina vốn đã được Quốc hội Mỹ phân bổ, và một cuộc gặp tại Nhà Trắng dành cho Tổng thống Ukraina. Phe Dân chủ lập luận rằng việc này cấu thành tội lạm dụng quyền lực tổng thống.
Ông Trump còn bị cáo buộc cản trở Quốc hội khi từ chối hợp tác với cuộc điều tra của cơ quan này.
Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã luận tội ông Trump hồi tháng trước. Thượng viện, do đảng Cộng hòa nắm đa số sẽ quyết định việc liệu Tổng thống có bị kết tội không, và có bị phế truất không.
Theo luật, để kết tội và phế truất Tổng thống Mỹ cần phải có 2/3 số phiếu, tức 67 trong số 100 ghế ở Thượng viện, đồng ý. Vì phe Dân chủ chỉ nắm giữ 45 ghế nên ông Trump được cho là sẽ thoát luận tội an toàn.
Thanh Hảo