Tiểu Ba La sinh năm 1992 (ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc) xuất thân trong một gia đình bố mẹ đều là nhân viên văn phòng. Sau khi hoàn thành chương trình THPT, cô đỗ vào Đại học Vũ Hán.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, Tiểu Ba La sang Anh học thạc sĩ. Cô cho biết: "Trước khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ mong tôi về quê thi công chức hoặc tìm việc ở các công ty gần nhà. Họ cho rằng, đó là sự lựa chọn tốt nhất".
Việc quyết định sang Anh học thạc sĩ là một sự liều lĩnh, Tiểu Ba La chia sẻ: "Tôi không nghe theo lời khuyên của bố mẹ. Tôi quyết định tham gia kỳ thi tuyển sau đại học vào chuyên ngành báo chí ở nước ngoài".
Tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, cô về nước và lên Bắc Kinh tìm việc. Công việc đầu tiên của Tiểu Ba La là quản lý trong một công ty truyền thông nổi tiếng, với mức lương khoảng 300.000NDT/năm (hơn 1 tỷ/năm).
Cô cho biết: "Lương cao đồng nghĩa với việc tôi phải chịu áp lực lớn. Mọi công việc đều phải xử lý khéo léo, không được để sai sót".
Tiểu Ba La cho biết, thời điểm đó cô chưa lập gia đình nên đáp ứng được cường độ công việc cao. Mặc dù mệt mỏi, nhiều áp lực nhưng cô vẫn cố gắng kiếm tiền để sinh sống ở Bắc Kinh.
"Không ai bắt tôi phải gắn bó với công việc đó, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng. Việc tôi được tồn tại trong công ty và sở hữu mức lương ổn, đã phần nào chứng minh được năng lực của bản thân", cô nói.
Sau 2 năm làm việc tại đây, cô quyết định "nhảy việc" để tìm hướng đi mới, có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Năm 2020, Tiểu Ba La được nhận vào công ty thương mại điện tử, với mức lương khoảng 390.000 NDT/năm (hơn 1,3 tỷ đồng/năm).
Thế nhưng, công việc lần này của Tiểu Ba La còn áp lực hơn trước, thường xuyên phải tăng ca, về muộn. Vào những ngày hội mua sắm, nhân viên phải ngủ ở công ty không được về nhà.
"Chúng tôi bị rút cạn sức lao động, đến mức không thể thở nổi", Tiểu Ba La nói. Công việc ngày càng bận, khiến cô không có thời gian chăm sóc cho bản thân, sức khỏe đi xuống. Cô bắt đầu bị thoái hóa cột sống, đau lưng, thường xuyên mất ngủ, rụng tóc.
Thậm chí, khi về nhà cô còn thường xuyên cáu gắt với chồng con. Cô cho biết: "Là một người mẹ, tôi cảm thấy tội lỗi vì dành quá ít thời gian cho con. Tôi nghĩ đến việc nên làm tiếp hay dừng lại".
Vào một buổi sáng Chủ Nhật, tháng 8/2022, cô nhận được tin nhắn phải chỉnh báo cáo gấp lúc 4h. 3 tiếng sau, cô bị quản lý trách móc về việc sửa báo cáo chậm. "Lúc đó, tôi không chịu đựng được. Tôi đã làm việc cả tuần, đến Chủ Nhật còn không được nghỉ, làm việc để kiếm sống chứ không phải để bán mạng", cô chia sẻ.
Sự việc này là "ngòi châm" khiến cô quyết định nghỉ việc. Sau một thời gian quyết định, đầu năm 2023, vốn có sở thích cắm hoa nên cô đã mở cửa hàng bán hoa ở quê, với thu nhập khoảng 3.000 NDT/tháng (hơn 10 triệu/tháng).
Mặc dù, thu nhập chỉ bằng 1/10 so với trước đây, nhưng Tiểu Ba La vẫn cảm thấy hạnh phúc: “Tôi vui vì được sống đúng với đam mê của bản thân, hết giờ là về nhà với gia đình. Tôi biết cuộc sống là không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, mỗi người có quan niệm khác nhau về cuộc sống, với tôi thế là đủ".
Sau khi Tiểu Ba La chia sẻ câu chuyện của bản thân lên mạng xã hội, có không ít những ý kiến trái chiều. Một người cho rằng: "Đi học thạc sĩ rồi về bán hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc". Người khác bình luận: "Thạc sĩ đi bán hoa nghe buồn cười quá"; “Thạc sĩ hết thời đi bán hoa”...
Bên cạnh đó, có người lại cho rằng: "Dù là thạc sĩ hay ai đi chăng nữa, nếu cảm thấy công việc không phù hợp có thể dừng lại, lựa chọn lối đi khác tốt hơn. Quan trọng là bản thân biết đủ và dừng lại đúng lúc".
"Một quyết định táo bạo của cô gái trẻ, chắc chắn nhiều người sẽ thắc mắc thạc sĩ tại sao đi bán hoa. Suy cho cùng thắc mắc của họ không sai, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải cố gắng và luôn kiên định với lựa chọn", khán giả khác bình luận.
Trước những ý kiến trái chiều, Tiểu Ba La cho biết: "Tôi không hối hận với những cố gắng trước đó của bản thân. Khi tâm trí được giải phóng, tôi hiểu bản thân muốn gì. Tôi muốn buông bỏ áp lực trong công việc để hướng đến cuộc sống bình yên. Tôi nghĩ, bất kể là làm công việc nào cũng phải thích thì mới có thể làm tốt được".
An Dương (Theo 163)