Tại thành phố lớn, các gia đình người Nhật thường phải sống trong những căn hộ khá nhỏ. Nhưng điều này không ngăn cản nhiều cặp vợ chồng ngủ khác giường, thậm chí là khác phòng. 

Trong cuốn sách Sống ở một nơi, Giáo sư Hideki Kobayashi thông tin một số lượng lớn các cặp vợ chồng ở Nhật Bản ngủ ở những nơi riêng biệt trong nhà. Theo đó, 26% số cặp vợ chồng sống trong chung cư ở khu vực Tokyo ngủ 2 phòng riêng. Cứ 10 cặp vợ chồng trên 60 tuổi thì có 4 cặp không ngủ chung giường và 53% cặp vợ chồng có con cái đã chuyển đi thích ngủ một mình.

ngu chung.jpg
Người mẹ cho con ngủ cùng và người cha quyết định ngủ riêng phòng khác. Ảnh minh họa: Brightside

Bright Side đã đưa ra lý do các cặp vợ chồng ở Nhật Bản chọn ngủ riêng: 

Lịch trình ngủ khác nhau

Điều đầu tiên khiến các cặp vợ chồng Nhật quyết định ngủ riêng là lịch trình làm việc khác nhau. Bạn đi làm về muộn sẽ đánh thức người thân, khiến họ không có sự nghỉ ngơi chất lượng. Đây là lý do qua đêm ở một phòng khác là điều hợp lý. Điều này sẽ giúp cả hai có một giấc ngủ yên tĩnh và lành mạnh hơn.

Ngoài ra, hiện nay ngày càng nhiều cặp vợ chồng ở Nhật cùng đi làm và việc tăng ca rất phổ biến ở Nhật. Bởi vậy, việc sắp xếp giờ sinh hoạt dễ lệch nhau. 

Nhiều người nghĩ rằng ngủ riêng cho thấy rạn nứt trong tình cảm vợ chồng thì người Nhật lại nhìn nhận điều đó khác. Họ rất coi trọng giấc ngủ của mình và không muốn bị quấy rầy khi đang say giấc. Điều này có nghĩa họ không thích chịu đựng người bên cạnh ngáy, ngủ không yên, đá chân. Mặc dù một số người không có cơ hội ngủ ở các phòng khác nhau nhưng họ vẫn ước mình có được giấc ngủ ngon. 

Trẻ sơ sinh ngủ với mẹ

Các bà mẹ Nhật có truyền thống ngủ cùng con nhỏ và điều này được đánh giá rất quan trọng. Người cha cần phải quyết định xem mình muốn ngủ chung giường hay sang phòng khác. Thậm chí khoa học đã chứng minh rằng ngủ chung có thể giúp cha mẹ và con cái có được giấc ngủ ngon hơn. Trẻ sẽ duy trì được thân nhiệt và nhịp tim ổn định (điều này thực sự quan trọng ở trẻ sơ sinh) và đồng thời làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. 

Ly thân không ly dị 

Giáo sư Kobayashi cũng đưa ra một giả thuyết có tính thuyết phục cao. Giống như hầu hết các quốc gia giàu có, Nhật Bản chứng kiến ​​tỷ lệ ly hôn tăng lên trong vài thập kỷ qua và hiện ở mức khoảng 35%. Đặc biệt, tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng đã kết hôn lâu ngày ngày càng gia tăng, số trường hợp ly dị sau 25 năm chung sống tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo Sora News 24, việc ly hôn chính thức ở Nhật vẫn ít phổ biến hơn so với nhiều quốc gia khác. Giáo sư Kobayashi cảm thấy nhiều cặp vợ chồng không muốn kết thúc cuộc hôn nhân hợp pháp. Họ đã giải quyết theo kiểu “ly hôn tại gia”: tiếp tục sống chung dưới một mái nhà nhưng không ngủ cùng giường.