Hãng viễn thông LG U+ vừa ra mắt xưởng sản xuất nội dung Studio X+U. Hồi tháng 2, xưởng bắt đầu phát hành bộ tiểu thuyết “Màn đêm kinh hoàng” trên nền tảng di động Kakao Page. “Màn đêm kinh hoàng” dựa trên bộ phim cùng tên phát sóng tháng 12/2023.
LG U+ trước đó đã bán bộ phim cho các công ty OTT toàn cầu như Rakuten Viki và Amazon Prime Video tại Nhật Bản. Một quan chức từ LG U+ cho biết họ muốn lấy sản xuất, phân phối nội dung và kinh doanh bản quyền làm động lực tăng trưởng trung và dài hạn.
Theo Chosun, ba nhà mạng lớn của Hàn Quốc đang chuyển trọng tâm sang sản xuất nội dung. Trước đây, họ thường tạo nội dung của riêng mình để thu hút người đăng ký các dịch vụ như IPTV (Internet TV nhưng hiện tại tìm cách tạo doanh thu từ chính nội dung này. Nội dung tự sản xuất biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như tiểu thuyết web (web novel), truyện tranh mạng (webtoon), âm nhạc và nhân vật.
Nó cũng có thể bán cho các doanh nghiệp OTT trong và ngoài nước để kiếm lời. Một người trong ngành viễn thông nhận xét, nỗ lực này nhằm tạo đột phá mới trong thị trường viễn thông trì trệ bằng cách trở thành nhà sản xuất nội dung thay vì chỉ cung cấp nội dung bên ngoài cho thuê bao của họ.
KT là một trong những người chơi đầu tiên nhảy vào cuộc đua sản xuất nội dung. Công ty con KT Studio Genie của KT mang về doanh thu 166 triệu USD (221,4 tỷ won) chỉ riêng trong năm 2023. Doanh thu của xưởng phim đã tăng hơn 18 lần trong hai năm, từ 8,85 triệu USD (11,8 tỷ won) trong năm đầu tiên vào năm 2021.
Bộ phim “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” của KT Studio Genie vô cùng nổi tiếng khi lên sóng năm 2022. Năm tiếp theo, công ty cũng sản xuất 14 chương trình giải trí và phim truyền hình, bao gồm bộ phim “Khu vườn dối trá”, dẫn đến doanh số bán hàng tăng vọt. Bộ phim truyền hình “Trăng lên ban ngày” được bán cho nhiều nền tảng OTT toàn cầu và doanh thu ở nước ngoài tăng đáng kể, một quan chức KT chia sẻ.
Từ năm ngoái, LG U+ tập trung vào việc sản xuất nội dung của riêng mình. Sau khi tuyển dụng Giám đốc nội dung (CCO) Lee Duk-jae từ CJ ENM, nhà mạng đã sản xuất hơn 10 chương trình giải trí và phim truyền hình. Đặc biệt, họ đang tập trung vào nội dung ngắn khoảng 30 phút để hướng đến giới trẻ, khác với định dạng chương trình hiện có.
Hoạt động kinh doanh nội dung của hãng viễn thông SK Telecom chủ yếu do công ty con SK Broadband, phụ trách các dịch vụ IPTV, thực hiện. SK Broadband đang có lợi nhuận với bộ phim hoạt hình “Chú chim cánh cụt Poporo” đầu tư từ năm 2002.
Không chỉ phát hành độc quyền các phần của loạt Pororo trên IPTV dưới dạng VOD, lợi tức đầu tư cũng rất cao, khoảng 500% vào quý IV/2023. SK Telecom còn xây dựng một không gian sản xuất nội dung VFX ở Seongnam, Gyeonggi-do, cho các công ty khác thuê.
Lý do ba công ty viễn thông mở rộng kinh doanh nội dung là vì các mạng và nền tảng viễn thông hiện tại của họ có sức cạnh tranh tốt. Cả ba đều cung cấp các dịch vụ phát sóng trả phí như IPTV và truyền hình cáp, đồng thời cũng sở hữu các kênh riêng (như ENA và Kênh S). Họ có một mạng lưới phân phối được thiết lập tốt để sản xuất và bán nội dung, đồng nghĩa ít gánh nặng đầu tư hơn các công ty sản xuất khác.
Ngoài ra, họ có thể tăng số lượng người dùng trên nền tảng riêng thông qua nội dung. Chẳng hạn, theo một đại diện của LG U+, bộ phim truyền hình “Haikuki” ban đầu được khán giả biết đến trên Netflix, song theo thời gian, ngày càng có nhiều người xem trên U+mobile TV.
(Theo Chosun)