Từ lâu, Nhật Bản luôn nổi tiếng nhờ sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Người dân nơi đây luôn ưa chuộng những vật dụng có tính tự động hóa cao và đem lại sự thuận tiện. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là một đất nước với nhiều nghịch lý thú vị.
Bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, trong khi hầu hết người dùng trên thế giới đưa các sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý vào quên lãng và biến chúng trở thành một phần của văn hóa đại chúng, đĩa CD vẫn đang là sản phẩm thu hút đông đảo sự quan tâm của người dùng tại Nhật Bản.
Hằn sâu vào thói quen tiêu dùng
Nếu có cơ hội đi bộ một đoạn ngắn từ ga Shibuya, bạn chắc hẳn sẽ bắt gặp cửa hàng băng đĩa Tower Records với tấm biển nổi bật “no music, no life”, tức “chúng ta sẽ không có cuộc sống nếu thiếu đi âm nhạc”.
Vào năm 2002, Tower Records Japan tách khỏi chuỗi cửa hàng Tower Records quốc tế. 4 năm sau, Tower Records quốc tế tuyên bố phá sản. Đối với cửa hàng tại Nhật Bản, quá trình tách khỏi chuỗi thương hiệu quốc tế đã giúp Tower Records Japan có cơ hội tồn tại đến ngày nay.
Việc mua đĩa CD như một cách thể hiện sự ủng hộ của công chúng đối với ca sĩ yêu thích. Ảnh: Japan Times. |
Trong khi hầu hết cửa hàng bán CD đóng cửa vào năm 2012, Tower Records Shibuya vẫn đứng sừng sững và trở thành dấu ấn nổi bật trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Nhật Bản. Thậm chí, cửa hàng này đã được nới rộng quy mô, thêm một hiệu sách, một không gian trình diễn và một quán cà phê để lấp đầy hơn 5.000 m2 diện tích sàn. Trên hết, Tower Records Shibuya là minh chứng rõ nhất về sức hút của đĩa CD đối với người dùng Nhật Bản.
Ngoài yếu tố thực tế, Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa sưu tầm phong phú. Chính xu hướng biến tình yêu trở thành vật dụng gắn liền trong cuộc sống đã giúp đĩa CD trở thành thứ không thể thiếu ngày nay.
Bên cạnh đó, nhờ sự cao tay của các công ty sản xuất âm nhạc, người tiêu dùng Nhật Bản dễ dàng bị thao túng bởi các chiêu trò tiếp thị và quảng cáo.
“Nếu nghệ sĩ yêu thích của bạn phát hành album, bạn sẽ muốn sở hữu nó dưới dạng đĩa cứng để chứng tỏ bạn ủng hộ họ. Đó là chưa kể đôi khi bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ ban nhạc yêu thích nếu nhận được tấm vé trúng thưởng trong đĩa CD”, Noemi, biên tập viên kiêm nhà soạn nhạc tại Nhật Bản, cho biết.
Theo Noemi, tính thẩm mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm âm nhạc của người Nhật Bản.
"Tôi thích mua các đĩa CD vì muốn sở hữu thành quả tạo ra bởi nghệ sĩ mình yêu thích. Tôi có thể cảm nhận được cảm giác vui mừng xen lẫn phấn khích khó tả khi mở gói đĩa CD và hít hà mùi giấy in lời bài hát. Tôi thậm chí chỉ thích thưởng thức bộ sưu tập đĩa CD của mình trên kệ. Tôi còn thích chúng vì vẻ ngoài được thiết kế bắt mắt”, Yuta, một giáo viên mê âm nhạc, chia sẻ.
Đĩa CD vẫn khó có thể thay thế
Theo thống kê do Hiệp hội Công nghiệp Thu âm Nhật Bản công bố, tổng sản lượng sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý trong năm 2019 đã giảm 7% so với cùng kỳ xuống còn 180,7 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất tổng thể giảm 5% xuống còn 2,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Âm thanh Quốc tế công bố năm 2019, sản phẩm âm nhạc dạng vật lý (bao gồm cả CD, DVD, đĩa than) vẫn chiếm khoảng 71% doanh số bán hàng tại Nhật Bản. Trên thế giới, sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý chỉ chiếm khoảng 1/4 doanh số bán hàng.
Sản lượng đĩa than và CD tại Nhật Bản không có sự sụt giảm quá rõ rệt. Ảnh: Nippon. |
Tính riêng doanh số hàng năm khoảng 50 triệu đĩa DVD âm nhạc, Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường cung ứng sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý lớn nhất trên thế giới. Nhiều CD được bán theo gói, đi kèm vé xem hòa nhạc hoặc cơ hội trúng thưởng vé gặp thần tượng.
Đối với người hâm mộ các ban nhạc nữ Nhật Bản như AKB48, Nogizaka 46, mỗi bộ CD phát hành đều chứa phiếu bầu giúp người dùng thăng hạng ca sĩ yêu thích của họ.
“Tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh sản phẩm âm nhạc vật lý đã khiến Nhật Bản trở nên khác biệt so với bất kỳ thị trường nào trên thế giới hiện nay”, René Fasco, cựu cố vấn của McKinsey & Co, nay là lãnh đạo Amazon Music tại Nhật Bản, nhận định.
Người dùng Nhật Bản đang thay đổi
Thế hệ trung thành với đĩa CD tại Nhật Bản đang bắt đầu hòa mình vào xu hướng chung của thế giới. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nghệ sĩ hủy sự kiện trình diễn trực tiếp và phải chuyển sang kênh phát trực tuyến. Cùng với đó, người hâm mộ tại Nhật Bản chỉ còn cách ở nhà để thưởng thức do chịu ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách xã hội.
Mặc dù doanh số bán sản phẩm âm nhạc vật lý sụt giảm chậm trong thập kỷ qua, CD vẫn là định dạng phổ biến nhất tại Nhật Bản. Tại thị trường Mỹ và châu Âu, định dạng CD từ lâu đã được xếp vào “bảo tàng lịch sử” và bị thay thế bởi các nội dung phát trực tuyến.
Sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý vẫn là thứ không thể thay thế đối với một bộ phận người dân Nhật Bản. Ảnh: Japan Times. |
Theo Jamie MacEwan, phụ trách mảng kinh doanh truyền thông Nhật Bản tại Enders Analysis, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ phát trực tuyến liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2019, con số là 15% và có thể cán mốc 20% trong năm 2020.
Xu hướng người dùng tại Nhật Bản được ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu theo dõi chặt chẽ. Nhật Bản hiện là thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ và hiện trị giá 3 tỷ USD mỗi năm.
Tower Records Japan, công ty quản lý hơn 80 cửa hàng trong nước, tuy không công bố dữ liệu nhưng cho biết tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ đại dịch. Lý do chủ yếu đến từ việc người tiêu dùng tránh ra ngoài và các nghệ sĩ hủy bản phát hành mới cùng các sự kiện quảng bá.
Ngoài gây tổn hại cho các nhà bán lẻ CD như Tower Records, vốn vẫn có sức nặng tại thị trường Nhật Bản, sự thay đổi này báo hiệu sự tăng trưởng của các dịch vụ phát trực tuyến như Amazon, Spotify…
“Sẽ mất nhiều thời gian để mọi thứ trở lại bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan về vấn đề này. Người hâm mộ âm nhạc ở đây thích mua CD để thể hiện sự ủng hộ đối với nghệ sĩ mà họ yêu thích. Tôi không nghĩ mọi người sẽ ngừng mua CD”, Tatsuro Yagawa, phát ngôn viên của thương hiệu Tower Records Japan, cho biết.
Tuy nhiên, doanh số bán đĩa CD giảm đang dần thay đổi quan điểm của các công ty thu âm, lợi nhuận đang chuyển sang hình thức phát sóng trực tuyến thay vì cách thức cũ. Các đĩa đơn ăn khách gần đây của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Kenshi Yonezu và nhóm nhạc nam kỳ cựu Arashi nay đều có mặt trên Spotify.
Theo Zing/Reuters, Bloomberg, Nippon
Xuất hiện 'kỳ lân công nghệ' thứ 3 thế giới, TQ xây nhà máy chip tỷ USD
Xuất hiện 'kỳ lân công nghệ' thứ 3 thế giới, Mỹ có thể tước giấy phép hai hãng viễn thông Trung Quốc; Trung Quốc xây nhà máy chip tỷ USD;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.