"Những vệ binh của chúng ta đang hy sinh mạng sống của họ để thảm kịch năm 1986 sẽ không lặp lại", Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky viết trên Twitter trước thời điểm tàn tích nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị các lực lượng Nga chiếm giữ.
Nhưng tại sao các bên lại muốn giành quyền kiểm soát một nhà máy điện không còn hoạt động, và bị bao quanh bởi hàng nghìn mét vuông đất phóng xạ?
Mái vòm bít kín toà nhà đặt lò phản ứng hạt nhân đã phát nổ trong thảm hoạ 35 năm về trước tại Chernobyl. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn Reuters, dẫn ý kiến từ các nhà phân tích quân sự phương Tây, cho biết việc chiếm giữ Chernobyl sẽ mở ra hướng tiến công ngắn nhất của quân đội Nga tới thủ đô Kiev của Ukraina từ hướng Belarus - một đồng minh của Moscow và cũng là nơi Nga đóng quân.
Theo Jack Keane, cựu Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, dù Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào", nhưng lại nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev. Ông gọi tuyến đường này là một trong bốn "trục" đường chính trong các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, trong đó có một tuyến đường khác từ Belarus, một tuyến đường hướng về phía nam vào thành phố Kharkiv của Ukraina, và một tuyến đường hướng lên phía bắc, qua bán đảo Crưm tới thành phố Kherson.
Chiếm được Chernobyl là một phần quan trọng trong kế hoạch quân sự của Nga. Một quan chức cấp cao của Ukraina cho biết nhà máy đã bị lực lượng Nga kiếm soát từ hôm 24/2, dù một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington không thể xác minh được điều này.
James Acton, thành viên viện nghiên cứu Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết việc Nga kiểm soát Chernobyl không phải để bảo vệ tàn tích nhà máy khỏi bị thiệt hại thêm, vì địa điểm này hiện nằm trong một "vùng hạn chế tiếp cận" có diện tích tương đương lãnh thổ Luxembourg.
"Rõ ràng, một vụ tai nạn xảy ra ở Chernobyl sẽ là một vấn đề lớn. Nhưng do đã nằm trong “vùng hạn chế tiếp cận,” nó có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dân thường Ukraina", ông Acton nói.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraina còn gây nguy cơ lớn hơn cả Chernobyl, do chúng không nằm trong vùng hạn chế tiếp cận và chứa các nhiên liệu hạt nhân có tính phóng xạ cao hơn nhiều. "Rủi ro từ những cuộc giao tranh xung quanh các nhà máy này là rất lớn", ông lưu ý.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, 4 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraina vẫn an toàn, và những chất thải còn sót lại cùng những cơ sở khác tại Chernobyl đều "không bị ảnh hưởng".
>>> Cập nhật tình hình chiến sự tại Ukraine hiện nay
Việt Anh
Người dân Ukraina ùn ùn rời Kiev, chạy sang các nước láng giềng
Hàng chục nghìn người Ukraina đã rời bỏ nhà cửa, một số chạy sang các nước láng giềng Romania, Moldova, Ba Lan, Hungary giữa lúc các lực lượng này chiến đấu với quân Nga từ ba phía.
Nga đang tấn công thủ đô Ukraina
Một nhóm phóng viên ở Kiev cho biết đã nghe thấy 2 tiếng nổ lớn ở trung tâm và một vụ nổ lớn ở xa hơn. Hiện có một số thông tin binh lính Nga đang tiến công Kiev từ phía đông bắc.