Nhiều người đã lầm tưởng rằng vòng đời điện thoại chỉ có thể kéo dài tối đa 3,5 năm. Ảnh: PCMag. |
Smartphone và ôtô có rất nhiều điểm tương đồng. Chúng ta có thể mua được chiếc điện thoại hoặc xe hơi đầu tiên trong đời ở một độ tuổi trưởng thành nhất định. Việc thanh toán có thể bằng cách trả hết một lần hoặc trả góp tùy theo điều kiện tài chính. Đồng thời, cả ôtô và smartphone thường không thay đổi nhiều về kiểu dáng dù mua thiết bị mới hay dòng cũ ra mắt từ một vài năm trước.
Tuy nhiên, giữa chúng có một điểm khác biệt lớn nhất chính là cách người dùng sử dụng. Sau khi mua xe ôtô, người dùng sẽ thường xuyên đem nó đi bảo trì, rửa xe định kỳ hoặc sửa chữa nếu cần. Nhưng với điện thoại, nếu có hư hỏng như chai pin, vỡ màn hình, họ sẽ thường chọn cách đổi hẳn máy mới.
Quan niệm sai lầm về dòng đời của smartphone
“Nếu thấy phụ tùng xe gặp vấn đề hoặc quá cũ, người dùng sẽ ngay lập tức thay thế chúng. Nhưng với những thiết bị điện tử, họ lại ít khi quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng chúng”, CEO Kyle Wiens của iFixit, công ty sửa chữa độc lập chuyên mổ xẻ máy móc, nói.
Do đó, vòng đời trung bình của một chiếc xe hơi sẽ ở khoảng 8 năm. Trong khi đó, mọi người rất thường xuyên thay mới điện thoại, ít nhất 3 năm/lần. Nhưng trên thực tế, nếu sử dụng cẩn thận và thường xuyên bảo trì linh kiện, vòng đời của một chiếc smartphone có thể kéo dài đến hơn 6 năm.
Người dùng nên bảo dưỡng smartphone định kỳ như với ôtô để kéo dài tuổi thọ. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, thói quen thay điện thoại thường xuyên không chỉ tốn kém và còn gây hại đến môi trường. Quy trình gia công một chiếc smartphone sẽ phải sử dụng ít nhất 70 vật liệu, tốn năng lượng và thải nhiều khí CO2. Nhưng người dùng vẫn thường xuyên mua điện thoại mới thay vì sửa điện thoại cũ vì họ cho rằng một số linh kiện khi sửa chữa sẽ còn đắt đỏ hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan vào năm 2021 đã chỉ ra phần lớn người dùng thay smartphone khi hiệu năng đi xuống như chạy chậm, giật lag hay chai pin. Trong khi đó, nguyên nhân phổ biến thứ hai là họ chỉ đơn giản nghĩ rằng đã đến lúc mua điện thoại mới.
Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Ruth Mugge, nói rằng nhiều người đã lầm tưởng rằng vòng đời điện thoại chỉ có thể kéo dài tối đa 3,5 năm trong khi thiết bị của họ vẫn có thể sử dụng lâu hơn khoảng thời gian này.
Theo bà, quan niệm sai lầm này là do các hãng công nghệ luôn hối thúc người người dùng nâng cấp lên các dòng máy mới. Các nhà mạng sẽ liên tục gửi tin nhắn đến người dùng về chương trình thu cũ đổi mới để thuyết phục họ mua máy.
Bên cạnh đó, người dùng luôn có tâm lý phải “bằng bạn bằng bè”, họ muốn thay điện thoại mới để theo kịp bạn bè, đồng nghiệp xung quanh. “Nếu dùng một chiếc điện thoại quá lâu, mọi người sẽ cảm thấy kỳ lạ”, giáo sư Ruth Mugge nói.
Cần tỉnh táo trước những chiêu trò quảng cáo
Một nguyên nhân khác khiến người dùng chọn mua mới thay vì sửa chữa là vì họ có quá ít lựa chọn. Là thiết bị được gia công rất tinh vi, smartphone thường kết nối các linh kiện với nhau bằng keo chuyên dụng hoặc ốc vít siêu nhỏ, không thể tự sửa tại nhà và sẽ rất đắt đỏ nếu đem ra tiệm.
Theo một nghiên cứu của Consumer Reports, nhiều người dùng có nhu cầu sửa smartphone nhưng họ liên tục gặp nhiều trở ngại khác nhau. 25% người được khảo sát cho biết họ đã cố sửa điện thoại nhưng cuối cùng vẫn phải thay mới và chỉ có 16% sửa điện thoại thành công. Trong khi đó, số còn lại nói rằng họ sẽ kiên trì dùng máy cũ mà không sửa hay mua máy mới.
Tự sửa điện thoại tại nhà dường như là một điều bất khả thi. Ảnh: iFixit. |
Vì thế, để tránh điện thoại gặp những lỗi lớn, không thể sửa chữa, người dùng nên thường xuyên bảo trì và sử dụng smartphone cẩn thận như với ôtô. Bạn nên đặt lịch nhắc nhở đem điện thoại đến tiệm để thay pin mới mỗi 3 năm một lần, tránh tình trạng chai pin, tụt pin đột ngột trong quá trình sử dụng.
Người dùng cũng nên kiểm tra smartphone định kỳ bằng cách xóa bớt các app, tệp tin không sử dụng để giải phóng bộ nhớ.
Bên cạnh đó, người dùng cần học cách tỉnh táo hơn mỗi khi nhìn thấy quảng cáo điện thoại mới trên TV, tin nhắn hay các biển quảng cáo dọc đường, Lee Vinsel, tác giả của cuốn sách The Innovation Delusion. “Mọi người cần thay đổi cách suy nghĩ của mình. Họ không nên bị những trào lưu công nghệ dụ dỗ mà hãy nhìn xa hơn về tài chính và những tác động lên môi trường”, ông khẳng định.
(Theo Zing)