Tạp chí National Interest chỉ ra rằng, vào năm 1968, Triều Tiên bắt tàu tình báo hải quân Mỹ USS Pueblo và giam giữ thủy thủ đoàn gần một năm Năm 1969, nước này bắn hạ một máy bay trinh sát Mỹ, khiến tổ lái thiệt mạng.
Ảnh: Reuters |
Năm 1998, Triều Tiên bắn một tên lửa qua Nhật Bản. Năm 2010, nước này đánh chìm tàu hộ tống của Hàn Quốc và bắn phá một hòn đảo của nước láng giềng khiến 50 người chết.
Nhưng trong tất cả các trường hợp kể trên, bộ ba Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chọn cách kiềm chế.
Trong một bài viết ngày 27/10 trên National Interest, tác giả Robert E. Kelly – giáo sư về các mối quan hệ quốc tế tại Khoa Ngoại giao và Khoa học Chính trị thuộc Đại học quốc gia Pusan - chỉ ra một số lý do.
Thứ nhất, Seoul rất dễ bị tấn công nếu bị Triều Tiên đáp trả. Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất về mặt quân sự. Hàn Quốc được định hình không thuận cho một cuộc trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng và phản công từ Triều Tiên.
Seoul và tỉnh Kyeonggi bao quanh nằm ngay vùng biên giới phi quân sự. Kyeonggi chiếm tới 55% tổng dân số Hàn Quốc và là trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước. Siêu đô thị này trở thành một mục tiêu lớn, nhưng khó phòng thủ và dễ bị tấn công nếu Bình Nhưỡng đánh trả một cuộc không kích.
Thứ hai, ông Trump cần có được sự đồng thuận chính trị của Hàn Quốc và Nhật Bản. Chính hai nước này sẽ phải hứng chịu hậu quả của bất kỳ đòn trả đũa nào. Tất nhiên về mặt pháp lý, chủ nhân Nhà Trắng có thể hành động nhưng chắc chắn ông sẽ tàn phá liên minh của Mỹ với một hoặc cả hai nước châu Á này nếu không nhận được sự tán đồng.
Thứ ba, bất kể một cuộc tấn công nào nhằm vào Triều Tiên đều không thể kết thúc nhanh chóng mà sẽ kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Và khi đó sẽ là một cuộc chiến tranh chứ không chỉ một hành động hạn chế.
Triều Tiên đã dành nhiều năm trời tăng cường sức mạnh bảo vệ các tài sản quân sự sau cuộc chiến tranh năm 1950-1953. Nước này cũng đầu tư mạnh tay vào tàu ngầm cùng các hệ thống phóng di động trên đường.
Nếu Mỹ có ý định tấn công tất cả các tài sản tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên thì chiến dịch không kích sẽ vô cùng tốn kém và dai dẳng. Nếu không, Triều Tiên sẽ sử dụng những gì còn lại để đánh phá Hàn Quốc và Nhật Bản. Chiến dịch càng kéo dài thì Triều Tiên càng có khả năng phản đòn. Và tất cả sẽ trượt vào một cuộc chiến toàn diện.
Thứ tư, ranh giới đỏ của Triều Tiên đến nay vẫn là điều chưa biết rõ. Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) được cho là luôn có các kế hoạch chiến tranh, trong đó chắc chắn có những trọng điểm về cách thức phản ứng trước hành động của liên quân.
Do các chương trình tên lửa và hạt nhân là tài sản giá trị nhất của Triều Tiên hiện nay nên rất dễ thấy KPA sẽ tấn công đáp trả. Chiến dịch không kích của Mỹ càng kéo dài thì càng có nguy cơ làm bùng nổ chiến tranh, chứ không chỉ một hành động giới hạn.
Thứ năm, một cuộc không kích sẽ làm hỏng quan hệ của Mỹ với Trung Quốc – vốn là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong chính trị thế giới nhiều năm qua.
Bất cứ một chiến dịch nào của Mỹ đều sẽ bị Trung Quốc phản đối. Bắc Kinh vốn không muốn Triều Tiên sụp đổ, lại càng không muốn Mỹ bá chủ quân sự ở châu Á.
Những hạn chế kể trên không hẳn ngăn chặn hoàn toàn Mỹ tấn công Triều Tiên, nhưng chúng đã là rào cản đối với các lựa chọn trong quá khứ, và giờ đây cũng vậy. Do đó, nếu Mỹ có tính chuyện bắn phá Triều Tiên, thì kịch bản này sẽ khiến Triều Tiên trở nên vô cùng nguy hiểm.
Thanh Hảo