Trước đó, chính quyền Kim Jong Un đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 31/7 và 25/7. Hãng thông tấn Triều Tiên cho biết, đích thân ông Kim Jong Un giám sát các vụ thử và đánh giá hệ thống vũ khí đó sẽ sớm đóng một "vai trò chủ đạo" trong các hoạt động chiến đấu trên bộ của Triều Tiên.
Ảnh: Daily Star |
Tạp chí Vox chỉ ra 2 lý do chính giải thích vì sao ông Kim Jong Un lại cho thử vũ khí liên tiếp như vậy?
Thứ nhất, đó là một thông điệp nhắm đến Hàn Quốc, cảnh báo nước này về cuộc tập trận chung với Mỹ trong tháng 8. Phía Hàn Quốc đã khẳng định sẽ không hủy bỏ sự kiện này, nên chính quyền Kim Jong Un có thể sẽ tiếp tục thử tên lửa cho đến khi nào Seoul hoặc Washington phải chú ý.
Thứ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump để mặc cho Triều Tiên thử bất cứ vũ khí nào nước này muốn, ngoại trừ bom hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Lý do là Mỹ và Triều Tiên đạt được rất ít tiến bộ trong nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kim Jong Un muốn ông Trump dỡ cấm vận rồi mới từ bỏ một số vũ khí có trong tay, trong khi vị Tổng tư lệnh Mỹ muốn nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ gần như toàn bộ các vũ khí rồi mới ngừng trừng phạt. Kết quả là hai bên lâm vào bế tắc.
Quan điểm của ông Trump là Triều Tiên vẫn có khả năng sẽ giải giáp chương trình hạt nhân chừng nào ông và Kim Jong Un vẫn thân thiện với nhau. Quan điểm này dường như là quá mức so những gì đang diễn ra giữa hai bên hiện nay.
Đó là lý do tại sao ông Trump coi nhẹ loạt vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên.
"Tôi không có vấn đề gì cả. Đó là những tên lửa tầm ngắn", ông Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng sau khi được hỏi về hai vụ phóng trước của Triều Tiên.
Thượng nghị sĩ Edward Markey, một nhân vật Dân chủ hàng đầu tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ muốn Tổng thống Trump và chính quyền của ông phải cứng rắn hơn nữa với Kim Jong Un. Chính trị gia này cho rằng, ông Trump nói "không có vấn đề gì" với các vụ phóng tên lửa tầm ngắn chẳng khác nào ông bật đèn xanh cho Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đe dọa các đồng minh của Mỹ.
"Thay vì phớt lờ các vụ phóng, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo phải mạnh mẽ và kiên quyết yêu cầu Triều Tiên dừng tất cả những hành động khiêu khích này", Thượng nghị sĩ Edward Markey nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính quyền Trump có lý khi không hành động quá mức, bởi sẽ tốt hơn khi tạo cơ hội cho tiến bộ ngoại giao. Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng trên thực tế vẫn có thể hành động nhiều hơn những khiêu khích đó.
Theo Harry J. Kazianis, Giám đốc cấp cao về các nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Vì Lợi ích quốc gia, bằng cách thử tên lửa liên tiếp, Triều Tiên muốn phát đi thông điệp rằng nước này sẽ tiếp tục thể hiện các năng lực quân sự tấn công và khuấy đảo căng thẳng nếu Mỹ và Hàn Quốc không dừng tập trận chung.
Một số chuyên gia thì cho rằng, Triều Tiên thử các vũ khí đe dọa trực tiếp Hàn Quốc chứ không nhắm đến đất Mỹ là vì muốn gây sức ép với Seoul, và "đo mức độ chịu đựng" của Mỹ mà không khiến đàm phán hạt nhân đổ vỡ.
Giữa bế tắc đàm phán hiện nay với Washington, chính quyền Kim Jong Un đã giảm bớt đáng kể các hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc, kêu gọi Seoul tránh xa Mỹ và thúc đẩy các dự án kinh tế chung vốn bị trì hoãn do cấm vận của Mỹ.
Thanh Hảo