Chuyện kể rằng, hổ trước kia chỉ là một con vật bình thường trong muôn vàn động vật dưới hạ giới khác. Kỹ năng săn mồi của nó thuộc hạng kém cỏi.
Về sau, hổ bái mèo làm sư phụ và được truyền thụ nhiều kỹ năng săn mồi và chiến đấu. Nhờ đó, nó có đủ sức đánh bại vô số loài vật khác và trở thành bá chủ vùng rừng núi.
Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã |
Danh tiếng về sự dũng cảm và kiên cường của hổ sau đó đã lan tới Thiên đình, và khiến Ngọc Hoàng phải ban thánh chỉ triệu hổ lên trời làm hộ vệ.
Tuy nhiên, nhân việc hổ lên Thiên đình, các loài động vật hung dữ khác, dẫn đầu bởi sư tử, đã liên tục tấn công và gây họa đối với lãnh thổ con người. Thổ địa đã phải lên Thiên đình để cầu xin sự giúp đỡ từ Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng liền lập tức giao hổ xuống lập lại trật tự dưới hạ giới. Khi về lại trần gian, hổ liền tìm tới ba loài vật mạnh mẽ nhất ở thời điểm đó là sư tử, gấu và lợn lòi để thách đấu. Với kỹ năng chiến đấu thượng thừa, hổ nhanh chóng đánh bại ba con vật trên và quay trở về Thiên đình.
Để thưởng công, Ngọc Hoàng đã thích ba vạch ngang trên trán hổ, tượng trưng cho 3 chiến tích hổ lập được dưới hạ giới.
Nhưng một thời gian sau, loài người dưới hạ giới lại phải chịu đại loạn khi binh tôm tướng cua ở biển, dưới sự lãnh đạo của một con rùa tinh, đã tấn công vào đất liền. Ngọc Hoàng lại phải phái hổ đi dẹp loạn một lần nữa. Hổ nhanh chóng đánh bại rùa tinh và buộc binh tôm tướng cua rút khỏi đất liền.
Hổ được Ngọc hoàng thích vào trán 3 nét ngang cùng một nét xổ dọc để tạo thành chữ "Vương" trong tiếng Hán. Hình minh họa: KADU |
Để tưởng thưởng cho chiến tích lẫy lừng trên, Ngọc Hoàng đã thích thêm một nét xổ dọc chèn lên 3 nét ngang trước đó trên trán hổ, tạo thành chữ “Vương”, trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là Vua.
Kể từ đó, hổ được xưng tụng là “vua của muông thú”.
Việt Anh
Ý nghĩa, hình tượng hổ trong văn hóa các nước châu Á
Hổ là một trong những linh vật mà người châu Á vô cùng coi trọng. Trong văn hóa các nước lại có những quan niệm, phong tục riêng liên quan tới loài vật này.