Bắt đầu từ ngày 22/6, tại lối lên hai đầu cầu Long Biên, ngành đường sắt dựng cột sắt và giải phân cách cứng để phân luồng ngăn ô tô, xe ba gác chở hàng cồng kềnh, quá tải lên cầu.
Có ý kiến cho rằng việc dựng cột sắt và dải phân cách giữa để cưỡng bức ngăn ô tô, xe ba gác nhìn phản cảm và không cần thiết, bởi ngay đầu cầu lên xuống đã lắp đặt hệ thống biển báo cấm ô tô, xe trọng tải nặng.
Hơn nữa, diện tích hai bên đầu mặt cầu Long Biên vốn hẹp, lưu lượng giờ cao điểm rất đông nên việc dựng cột và dải phân cách cứng chỉ gây cản trở giao thông cho người và phương tiện qua cầu.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cầu yếu thì giải pháp trên là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều ô tô, xe trọng tải lớn vẫn cố tình vi phạm.
Hàng ngày đi lại qua cầu Long Biên, anh Lê Đình Lực ở phường Ngọc Thuỵ, Long Biên cho rằng, trong bối cảnh cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt cầu thường xuyên sụt tấm đan bê tông thì việc dùng dải phân cách cứng và dựng cột cấm xe tải trọng nặng như: ô tô, xe ba gác... đi lên cầu là việc nên làm, bởi các phương tiện vi phạm khá phổ biến.
Anh Lực chia sẻ, trước đây, khi chưa có dải phân cách cứng, vào giờ cao điểm sáng và chiều tối ô tô và xe ba gác chở hàng chắn cả mặt đường gây ùn tắc trên cầu. Mỗi lần có tàu đi qua cầu rung lắc rất sợ. Sau khi cơ quan chức năng chôn cột và dải phân cách, các loại xe tải trọng lớn và chở hàng cồng kềnh không đi lên được nên việc lưu thông qua cầu thông thoáng và nhanh hơn.
“Trong bối cảnh cầu yếu, xe vi phạm chở hàng cồng kềnh phổ biến thì việc dựng cột và dải phân cách cứng để cưỡng chế là cần thiết. Về lâu dài, nhà nước cần sớm có đánh giá, sửa chữa tổng thể lại cầu Long Biên để người dân đi lại yên tâm hơn", anh Lực nói.
Bất khả kháng mới phải dùng biện pháp cưỡng bức
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Hải cho biết, việc đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng dựng dải phân cách cứng hai đầu cầu Long Biên là biện pháp bất khả kháng. Trong điều kiện cầu yếu, tình trạng xe quá khổ quá tải qua cầu vi phạm phổ biến, không còn cách nào hơn là phải sử dụng biện pháp cưỡng chế để bảo vệ cầu và đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Được biết, trong quá trình chờ đánh giá sửa chữa tổng thể lại cầu Long Biên, Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Hải kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để chôn trụ cột bê tông ngăn các xe quá tải qua cầu.
Được biết, trước khi dựng dải phân cách cứng, hàng ngày và hàng tuần Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Hải đều phối hợp với lực lượng CSGT Hà Nội thông báo xe vi phạm đi lên cầu Long Biên để xử phạt, đồng thời gửi biển số xe vi phạm đến Cục CSGT (C08) để tiến hành phạt nguội.
Thế nhưng, cơ bản chỉ phạt được ô tô, còn xe ba gác và xe máy thồ rất khó xử lý.
Thống kê từ hệ thống camera giám sát trên cầu Long Biên cho thấy, chỉ tính riêng từ 7/6 đến 18/6 đã có hơn 7.000 phương tiện là xe máy thồ, xe ba gác và cả ô tô đi lên cầu Long Biên, trong số này chủ yếu là xe ba gác tự chế và xe máy chở hàng nặng qua lại chợ đầu mối Long Biên.
Cầu Long Biên có tuổi thọ hơn 120 năm. Hiện, kết cấu của cầu nhất là phần dành cho đường bộ đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi liên tiếp xảy ra sự cố sập tấm đan trên mặt cầu, ngành đường sắt đã tiến hành nhiều giải pháp gia cố như lắp thêm thanh đỡ dưới tấm đan bê tông, nhưng giải pháp này chỉ là tạm thời.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Hải thực hiện các giải pháp thay các tấm đan trên mặt cầu và đường bộ hành, làm các thanh đỡ tấm đan. Đến nay, 752m tại những vị trí xung yếu, nguy hiểm đã được thi công.