Mấy tháng qua, tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, gần 800 học sinh thuộc 11 huyện, thị đang phải dồn ghép, sống chung trong những căn phòng ký túc xá chật hẹp. Quần áo, đồ dùng cá nhân phơi kín các tầng, lối đi.

Thầy Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, cho biết, ký túc xá khu B là nơi học sinh ở.

Khi có chủ trương xây dựng nhà mới, nhà trường phân bổ học sinh nam gồm 265 em ở tạm thời tại toà nhà thực hành chức năng 5 tầng mới xây. Riêng 425 học sinh nữ ở dồn vào toà nhà 3 tầng ký túc xá cũ xây dựng từ năm 1984.

Vào cuối năm 2023, dự án ký túc xá 5 tầng được bắt đầu tiến hành xây dựng. Theo tiến độ đề ra, dự kiến ký túc xá sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024 - dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường.

W-hoc-sinh-1-1.jpg
Ký túc xá 3 tầng đang trong tình trạng quá tải, chật chội khi phải dồn ghép học sinh về ở chung. Ảnh: Quốc Huy

“Qua nhiều lần họp giải quyết khó khăn cho học sinh, nhà trường đưa ra nhiều phương án như tìm vị trí khác thuê cho học sinh. Tuy nhiên, phương án thuê ngoài gặp nhiều bất cập như ăn ở, sinh hoạt và quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. 

Sau đó, nhà trường chốt phương án cho tất cả học sinh ở lại trường, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn khi ở ghép phòng chật chội. Gần 800 học sinh cũng như giáo viên mong muốn ký túc xá sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng” - thầy Huy chia sẻ.

Mỗi phòng ký túc xá 20m2, theo quy chuẩn sẽ có 8 người ở chung 1 phòng nhưng hiện tại mỗi phòng phải ghép 12 đến 14 học sinh. Các học sinh phải ngủ 2 người trên một giường đơn, mỗi giường chỉ rộng từ 85 đến 90cm.

Em Lầu Nguyễn Hương Mơ (lớp 11A5) chia sẻ, trong thời gian chờ đợi nhà ký túc xá mới đang xây dựng, hàng trăm học sinh phải ở ghép chung, chịu cảnh sinh hoạt chật chội. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, số lượng học sinh ở đông nên ảnh hưởng trong đời sống sinh hoạt và học tập.

W-hoc-sinh-6-1.jpg
Mỗi giường nhỏ có 2 học sinh phải ngủ ghép chung ở ký túc xá. Ảnh: Quốc Huy

“Mỗi giường đơn có chiều rộng 90cm nhưng em phải nằm chung 2 người. Suốt 3 tháng qua, các em phải tự thích nghi và chia sẻ cùng nhà trường. Hy vọng ký túc xá mới sẽ sớm hoàn thành” - em Mơ kể.

Vướng giải phóng mặt bằng từ 5 thầy, cô mượn đất ở

Theo tài liệu, dự án xây dựng ký túc xá 5 tầng của nhà trường có tổng mức đầu tư trên 62 tỷ đồng. Với sự đầu tư này, nhà trường sẽ có khu ký túc xá 5 tầng, đầy đủ công năng, bảo đảm chỗ ăn ngủ sinh hoạt cho học sinh về lâu dài khi đưa vào sử dụng.

W-hoc-sinh-9-1.jpg
Dự án xây dựng ký túc xá cho nhà trường đang bị chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Quốc Huy

Tuy nhiên, dự án thi công xong phần móng, công trình nhà ở ký túc xá đành phải tạm dừng, với lý do có khúc mắc trong giải phóng mặt bằng.

Trước đây, trường có cho 5 gia đình giáo viên mượn nhà trong khu tập thể để ở, trong đó có 3 hộ gồm: Thái Khắc H., Lang Viết Ch., Trần Văn S. mượn nhà có sẵn để ở; 2 hộ khác là thầy Nguyễn Văn K., cô Sầm Thị S. mượn đất của nhà trường và xây nhà ở.

Theo đó, 5 hộ mượn nhà tập thể, đất của nhà trường có đơn thư gửi các cấp với nội dung cần xem xét việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng; diện tích đất cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An chồng lấn lên đất ở cá nhân.

Khi tiếp nhận đơn, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc xác minh nguồn gốc đất có chồng lấn và xem xét nhiều góc độ để có thể hỗ trợ cho các thầy, cô mượn đất của nhà trường làm nhà.

Hộ ông Nguyễn Văn K. phản ánh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An chồng lấn lên diện tích đất ở của gia đình ông L. đang sử dụng.

Sau khi xác minh từ các hồ sơ, tư liệu nguồn gốc đất, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kết luận, gửi văn bản cho ông K. có nội dung: "Qua kiểm tra của Sở TNMT, báo cáo của UBND TP Vinh, toàn bộ phần diện tích đất của ông K. đang sử dụng có nguồn gốc của nhà trường cho mượn từ năm 2006, nằm hoàn toàn trong khuôn viên thửa đất của nhà trường có nguồn gốc từ năm 1984. Bản đồ địa chính đều xác định chủ sở hữu là của nhà trường".

UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, gia đình ông K. và 4 hộ còn lại khẩn trương di dời tài sản trên đất, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà trường thực hiện dự án. Trường hợp công dân không thống nhất có thể khởi kiện ra toà án.

Mong giải quyết dứt điểm

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An cho biết, mới đây, UBND phường Hà Huy Tập (TP Vinh) mời 5 gia đình thuộc diện phải di dời, trả lại đất cho nhà trường xây ký túc xá mới lên làm việc. 

Đồng thời mời đại diện nhà trường, công an phường, địa chính, đô thị, cùng đến gặp gỡ và đề nghị 5 gia đình xuất trình các giấy tờ có đủ điều kiện, xem xét trong việc mua đất ở không thông qua đấu giá, theo quy định tại Điều 6, QĐ 78/2014 ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh Nghệ An.

Trong 5 hộ, thầy Nguyễn Văn K. có Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3 để trình UBND TP Vinh xem xét mua đất không thông qua đấu giá.

W-hoc-sinh-8-1.jpg
Có 3/5 hộ của các thầy, cô đã chuyển đi nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho nhà trường thi công ký túc xá. Ảnh: Quốc Huy

Đến nay, có 3 trên 5 hộ giáo viên đã bàn giao mặt bằng cho nhà trường thi công ký túc xá. Hiện chỉ còn hộ cô Sầm Thị S. (giáo viên dạy tiếng Anh) nguyên là cựu học sinh của nhà trường và thầy Nguyễn Văn K. đã nghỉ hưu năm 2007. Toàn bộ quyết định giao đất từ năm 1983 để thành lập trường, khu đất của 5 nhà thầy cô đều ở trong khuôn viên quy hoạch đất giáo dục của Trường THPT Dân tộc Nội trú.

Cô Hoa còn cho biết thêm, từ năm 6/5/2019, nhà trường đã mời 5 gia đình họp, thông báo sắp tới sẽ làm dự án, xây dựng ký túc xá cho học sinh ở khu đất mà hợp đồng gia đình đang cho mượn. Đề nghị các thầy cô sắp xếp tìm chỗ ở khác để nhà trường thuận lợi xây dựng ký túc. Sau cuộc họp, các thầy cô xin 3 năm để chuyển đi nơi khác...