Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 3.434 ca mắc Covid-19, được Bộ Y tế công bố. Thời gian qua, thành phố xuất hiện 23 chuỗi lây nhiễm ở khu công nghiệp, khu dân cư, trường học, bệnh viện, tòa nhà chung cư…. Nhiều chuỗi lây nhiễm được phát hiện khi có người đến khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, với các biểu hiện: ho, sốt, đau họng.

Theo nhận định của ngành y tế, trong thời gian tới, số ca F0 tại thành phố sẽ tiếp tục tăng.

Ttại cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM chiều 28/6, ông Nguyễn Hữu Hưng, đánh giá, trong đợt dịch lần thứ tư tại thành phố, tỷ lệ lây lan rất cao.

{keywords}
Người dân TP.HCM được phát phiếu đi chợ. Ảnh: Thanh Tùng.

Ông Hưng lý giải, từ ngày 18/5 đến nay, TP.HCM có nhiều chùm ca bệnh khác nhau. Đầu tiên là chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân 4514, thứ hai là chùm ca bệnh ở quán ăn O Thanh (quận 3). Đây là hai chùm ca bệnh có tốc độ lây lan ngắn và đã chấm dứt.

Tuy nhiên, hiện nay, ở thành phố đang tồn tại các chùm ca bệnh liên quan đến biến chủng Delta, có tốc độ lây lan nhanh, lây trong không khí. “Chủng virus lần này có tốc độ lây lan rất kinh khủng. Trong cùng một gia đình có bao nhiêu người thì có từng đó người nhiễm bệnh”, ông Hưng chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở y tế cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh nhưng chưa đạt được hiệu quả. 

“Khi có biến chủng mới, thành phố đã chủ động sử dụng các biện pháp ngăn chặn. Nhưng các chuỗi ca bệnh ở khu dân cư, khu công nghiệp, văn phòng công ty... liên tục được phát hiện. Hiện thành phố đang áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc như: Chỉ thị 10, Chỉ thị 15, phong tỏa, cách ly, hy vọng sẽ từng bước khống chế và giảm được tỷ lệ lây lan của bệnh", ông Hưng cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch tại TP.HCM đang khiến Bộ Y tế rất lo ngại. Theo đánh giá chung, thành phố có thể tiếp tục xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây. Dịch bệnh tại đây đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm, việc tìm nguồn lây rất khó khăn.

Bộ trưởng đánh giá, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai các biện pháp ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh tương đối sớm, kịp thời và chủ động. Bộ Y tế yêu cầu thành phố phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, đi lại giữa các khu vực.

Bộ Y tế yêu cầu, tới đây, TP.HCM phải triển khai quyết liệt hơn các biện pháp xét nghiệm, quy mô phù hợp. Khi phát hiện ca dương tính, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng để chặn nguồn lây. 

Ngoài ra, thành phố cần tăng cường tầm soát tất cả người đến các cơ sở y tế, bao gồm cả bệnh nhân và người có yếu tố nguy cơ.

Tú Anh

TP.HCM đủ năng lực xét nghiệm nCoV cho 5 triệu người trong 10 ngày

TP.HCM đủ năng lực xét nghiệm nCoV cho 5 triệu người trong 10 ngày

Đó là khẳng định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tại cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM chiều 28/6.