Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ có một cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại thành phố Osaka, Nhật Bản tuần tới. Các cuộc đàm phán thương mại, vốn đã đổ vỡ hồi tháng trước hiện đang được nối lại và các nhóm đàm phán đang chờ các cuộc thảo luận của những nhà lãnh đạo làm nền móng cho việc nối lại đàm phán.

Nhưng sẽ không có một giải pháp được đưa ra nhanh chóng để giải quyết các vấn đề hiện nay. Nhất là với những vấn đề phức tạp như Triều Tiên, Iran và Huawei cũng đều có thể nằm trong chương trình nghị sự lần này, và mục tiêu cấp bách nhất hiện nay là phải cam kết đối thoại ở cấp cao nhằm đảm bảo kết quả đều có lợi cho các bên.

{keywords}
Các nhóm đàm phán thương mại đang hướng về kết quả cuộc gặp Trump-Tập. Ảnh: AP

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng vừa công bố chuyến thăm diễn ra trong tuần này của ông Tập đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với hy vọng một kỷ nguyên mới của quan hệ Trung-Triều sẽ được thiết lập. Ông Tập tuần trước cũng có lời cam kết tương tự với Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kyrgyzstan, và ông cũng nhắc tới sự cần thiết của việc “phát triển ổn định trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương” giữa hai nước.

Tờ báo Hong Kong bình luận, những lời nói trên của ông Tập sẽ gây ra "sự phiền toái" cho Tổng thống Trump, khi ông vừa tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Bởi chiến thắng trong thương chiến Mỹ-Trung, cũng như giải quyết được các vấn đề với Bình Nhưỡng và Tehran sẽ làm gia tăng cơ hội chiến thắng cho ông Trump.

Đối với Mỹ, Triều Tiên và Iran từ lâu đã là những đối thủ. Ông Trump đã thực hiện những bước đi chiến lược nhằm buộc hai nước này hủy bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bắt đầu với các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên, tiếp đó Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt với hy vọng buộc quốc gia Trung Đông này phải đàm phán lại thỏa thuận.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực kia đều thất bại, và rõ ràng Washington cần sự trợ giúp từ nước khác. Trung Quốc có mối quan hệ tốt với cả Iran và Triều Tiên, nên sức ảnh hưởng của nước này sẽ có thể là một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

{keywords}
Mỹ cần Trung Quốc tham gia những vấn đề về Triều Tiên và Iran. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngoài ra, vụ việc của Tập đoàn viễn thông Huawei lại diễn ra theo một chiều hướng khác. Chính quyền Trump đã cáo buộc tập đoàn này vi phạm các lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Iran, đồng thời Washington cũng ra lệnh cấm Huawei được tự do làm ăn với các công ty của Mỹ, với mục đích cắt đứt nguồn cung cấp những thiết bị điện tử, cũng như các phần mềm ứng dụng cho “gã khổng lồ công nghệ” này.

Ông Ngụy Kiến Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đưa dự đoán rằng, chính quyền Bắc Kinh sẽ tận dụng cuộc gặp Trump-Tập lần này để làm rõ một vài nguyên tắc liên quan đến mối quan hệ song phương Mỹ-Trung.

{keywords}
Quan hệ song phương Mỹ-Trung cần cải thiện vì ổn định của toàn thế giới. Ảnh: Chinausfocus

“Không thể tránh khỏi cho Trung Quốc và Mỹ sẽ bất đồng ở một số vấn đề, nhưng cả hai bên nên cùng giải quyết các vấn đề này thông qua việc đối thoại một cách bình đẳng thay vì lôi kéo nhau vào các các cuộc chiến thương mại, công nghệ và tài chính. Bắc Kinh sẽ cố thuyết phục Washington rằng, nước này không muốn tranh giành vị trí đứng đầu thế giới, nhưng Trung Quốc cũng có ‘lợi ích cốt lõi’ của riêng mình, bao gồm những vấn đề như chủ quyền, lãnh thổ và không gian để phát triển ‘cần phải được tôn trọng’ ”, ông Ngụy nói.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc SCMP, những cuộc khủng hoảng do ông Trump gây ra đang ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc, Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Bởi vậy cuộc gặp Trump-Tập bên lề hội nghị G20 nên tìm kiếm sự hợp tác, thay vì đối đầu.

Tuấn Trần