Theo kênh CBS News, sự kiện bàn giao trên sẽ khép lại hành trình kéo dài hơn 53 năm qua của Boeing 747, dòng máy bay có thân rộng, hai tầng, hai lối đi đầu tiên trên thế giới.
“Bố tôi, ông Kelvin Andy Anderson là người đã giám sát quá trình hoạt động của bản nguyên mẫu chiếc 747, trong khi tôi là người đứng đầu đội ngũ kỹ thuật của chiếc 747 cuối cùng. Bố tôi là người bắt đầu, và tôi sẽ là người kết thúc mọi thứ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi”, ông Vic Anderson, chuyên gia kỹ thuật phụ trách việc lắp ráp những chiếc Boeing 747 ở nhà máy sản xuất máy bay đặt tại thành phố Everett thuộc bang Washington, nói.
Vào giữa thập niên 1960, ông Juan Trippe, người sáng lập Hãng hàng không Pan Am của Mỹ, trong một lần gặp gỡ Chủ tịch Tập đoàn Boeing khi đó là William Allen đã yêu cầu hãng chế tạo một loại máy bay mới có kích thước lớn gấp 2,5 lần, chi phí vận hành thấp hơn 30% và khả năng chở hàng lớn hơn trong các tuyến bay quốc tế, so với các máy bay thịnh hành khi đó như Boeing 707 và Douglas DC-8. Ông William Allen sau đó đã giao nhiệm vụ này cho kỹ sư huyền thoại Joe Sutter vào tháng 8/1965.
Theo tờ Thời báo Seattle, ông Sutter và đội ngũ kỹ sư của mình chỉ mất có 28 tháng để thiết kế và chế tạo nguyên mẫu máy bay 747 tại nhà máy của Boeing ở thành phố Everett, Mỹ. Chuyến bay đầu tiên của chiếc 747 diễn ra vào ngày 9/2/1969, và máy bay Boeing 747 đầu tiên được bàn giao cho Hãng hàng không Pan Am vào tháng 1/1970.
Với thiết kế bướu đặc trưng, bốn động cơ và sức chứa khổng lồ, 747 thường được xem là dòng máy bay cỡ lớn có thiết kế thẩm mỹ nhất với biệt danh “Nữ hoàng bầu trời”.
“Ở thời điểm đó, 747 đã nâng khả năng chở khách lên tới 350-400 người, và điều này đã định hình lại việc thiết kế máy bay. Với chi phí thiết kế lên tới 1 tỷ USD, 747 khi đó suýt khiến hãng Boeing phá sản. Đồng thời, cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào giữa thập niên 1970 cũng làm mọi thứ tồi tệ hơn”, ông Kelvin Anderson kể lại.
Dù vậy, thời kỳ hoàng kim của dòng 747 đã đến vào năm 1989 khi hãng Boeing giới thiệu máy bay 747-400 được chế tạo với vật liệu nhẹ hơn và sử dụng loại động cơ mới. Chính những thay đổi trên đã khiến 747 phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng khi đó dành cho các chuyến bay xuyên qua Thái Bình Dương.
Boeing 747 khi đó trở thành sự lựa chọn của những người giàu có hay thậm chí hoàng tộc của nhiều quốc gia, và xuất hiện nhiều hơn trong các bộ phim được Hollywood sản xuất. 747 cũng là nguyên mẫu của các máy bay Air Force One, chuyên cơ dành riêng cho Tổng thống Mỹ, kể từ thập niên 1990.
Thời báo Seattle cho hay, kỹ sư Joe Sutter trong khi đợi chuyến bay tại sân bay Narita ở Tokyo, Nhật Bản từng đếm được 55 chiếc máy bay thuộc dòng 747 hạ cánh xuống sân bay. “Tôi vừa chứng kiến hơn 20.000 người đến Nhật Bản trong vòng hai giờ. Chúng tôi đã thay đổi thế giới”, ông Sutter viết trong cuốn tự truyện.
Tuy nhiên, trong hai thập niên qua, các hãng hàng không đã dần chuyển sang dùng dòng máy bay 777, với hai động cơ và tiết kiệm nhiên liệu hơn, của hãng Boeing.
“Xét trên các mặt công nghệ, khả năng chuyên chở và tính kinh tế, thật đáng buồn khi dòng Boeing 777X đã khiến 747 trở nên lỗi thời. 747 là một trong những kỳ quan của thời kỳ công nghiệp hiện đại. Nhưng thời nay không phải là thời đại của các kỳ quan, mà là thời của kinh tế học”, Giám đốc điều hành AeroDynamic Advisory, ông Richard Aboulafia nói.
Video: CBS News
Liên Hợp Quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia đã gửi lời chia buồn tới người dân Trung Quốc về vụ rơi máy bay hôm 21/3.