Mới đây, một trường THCS ở Hà Nội đưa ra dự thảo tuyển sinh về việc sẽ cộng đến 20 điểm xét tuyển vào lớp 6 cho học sinh đạt IELTS từ 3.0. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao.

IELTS không phù hợp với trẻ tiểu học

Là giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Archimedes Academy, cô giáo Trần Thị Phương Chi bất ngờ trước lời đề nghị luyện thi IELTS cho một học sinh lớp 5 có mong muốn thi vào lớp 6 tại Hà Nội.

Trước sự tha thiết của phụ huynh, cô Chi đồng ý dạy thử. “Sau khi kiểm tra, mặc dù về mặt ngữ pháp con nắm khá ổn; nhưng ở phần đọc hiểu, vốn từ vựng của con khá yếu. Do đó, cần phải có một lộ trình học tập khác phù hợp với năng lực của con. Nếu vẫn cố tình nhồi nhét, tôi nghĩ con sẽ bị ‘chín ép’ do chưa có đủ tư duy về ngôn ngữ cũng như các vấn đề xã hội”.

Theo cô Chi, việc luyện thi chứng chỉ IELTS chưa phù hợp với trẻ ở bậc tiểu học, bởi lẽ bài thi này không đơn giản chỉ kiểm tra khả năng nói tiếng Anh mà còn cần tới các khả năng phân tích, tư duy cùng lượng kiến thức liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội vượt xa tầm hiểu biết của trẻ.

“Việc luyện thi IELTS quá sớm sẽ khiến trẻ phải chật vật tiếp nhận những vấn đề xã hội phức tạp mà ngay chính bản thân các em cũng chưa hề trải nghiệm”.

Cô Chi lấy ví dụ, ở phần thi nói và viết của bài thi IELTS, thí sinh sẽ thường gặp phải những câu hỏi liên quan đến các chủ đề khá rộng như kinh tế, giáo dục, công nghệ, luật pháp, môi trường, y tế... Hay ở phần bài đọc và nghe, khối lượng từ vựng cũng tương đối nhiều và khó đối với trẻ. Khi ấy, trẻ sẽ phải học nhồi nhét, học theo công thức chỉ để đạt điểm số mong muốn.

“Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hứng thú học ngôn ngữ của trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý sợ học tiếng Anh”, cô giáo Trần Thị Phương Chi cho hay.

{keywords}
Luyện chứng chỉ IELTS từ cấp tiểu học là điều không cần thiết (Ảnh minh họa: Kỳ thi vào lớp 6 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM năm 2020)

Đồng quan điểm, thầy Ngô Huy Tâm (Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế Phenikaa School) cũng cho rằng, khi học cấp 1, chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và cũng không phù hợp với trẻ nhỏ.

“Mỗi một thang đo chỉ có thể đánh giá cho một số đối tượng nhất định. Mặc dù chúng có thể đối chiếu sang nhau, nhưng điều đó không có nghĩa có thể dùng thay thế các kỳ thi với nhau.

Thực tế, IELTS là thang đo ngôn ngữ phổ quát dành cho đối tượng di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp, có nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức trẻ nhỏ”.

Do đó, theo thầy Tâm, việc luyện IELTS từ sớm sẽ làm hại cho con trẻ. “Tuổi nhỏ, trẻ cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đó là lý do trẻ được dạy viết sáng tạo, viết tự do trước khi được dạy viết hàn lâm.

Nhóm trẻ bị ép đọc, viết hàn lâm quá sớm sẽ làm suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc, viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài - vốn là những thứ không bền. Từ đó, trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực”.

Mặt khác, các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hoá như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với khuôn mẫu sẵn có, cho nên, trẻ không có hoặc rất ít cảm xúc với những điều mình viết.

Cách học này chỉ phù hợp với việc luyện thi, còn với đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ, IELTS không phù hợp do việc học ngôn ngữ cần thấm dần quan thời gian và không thể “chín ép”.

Học IELTS ở độ tuổi nào là phù hợp?

Thầy Ngô Huy Tâm cho rằng, độ tuổi học IELTS phù hợp là khoảng lớp 8, lớp 9. “Thật ra, độ tuổi này vẫn còn là hơi sớm, nhưng nếu buộc lòng phải học thì đây nên là độ tuổi tối thiểu, do có thể năng lực nhận thức của trẻ bây giờ đã già dặn hơn so với trước đây.

Nhưng hợp lý nhất vẫn là từ lớp 10, khi học sinh ở độ tuổi 15, 16. Lúc này, các em đã có độ chín chắn nhất định và khả năng tư duy, nhận thức cũng đã có phần trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, thầy Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc đạt điểm IELTS cao chưa chắc năng lực sử dụng tiếng Anh đã thực sự tốt.

“Rất nhiều bạn cày ngày, cày đêm và đạt đến 9.0 IELTS Writing, nhưng khi vào ĐH Harvard vẫn bị giáo sư đánh giá rằng viết dài dòng, không có bản sắc. Nhiều học sinh trong bài viết dùng từ ngữ to tát, nhưng ý nghĩa có phần nông cạn, đơn giản là vì IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ hẹp chứ không đo năng lực viết - vốn bao gồm nhiều mặt hơn ngôn ngữ đơn thuần”.

“Do đó, luyện IELTS cũng là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế, không nên thần thánh hóa chức năng thực tế của thang đo này”, thầy Ngô Huy Tâm nói.

Cô giáo Trần Thị Phương Chi cũng cho rằng, việc học IELTS có thể bắt đầu từ năm lớp 8, nhưng thích hợp nhất vẫn là từ lớp 10 vì lúc này, học sinh đã có tích lũy đủ về mặt nhận thức cũng như khả năng tiếp thu các vấn đề xã hội.

IELTS với học sinh ở đầu cấp THPT sẽ là điều kiện thuận lợi và cũng là yêu cầu cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của các trường học ở nước ngoài, giúp học sinh thuận lợi hơn khi bước vào ngưỡng cửa đi du học.

“Còn đối với bậc tiểu học, trẻ nên theo học những chương trình phù hợp hơn với lứa tuổi như Movers, Flyers, KET, PET,… Những chương trình này hoàn toàn có thể xây dựng cho trẻ đầy đủ kỹ năng, năng lực ngôn ngữ và khả phân tích, lập luận thay vì phải cố gắng gồng lên để học, thi IELTS khi chưa cần thiết”.

Thúy Nga

Trường học định cộng 20 điểm xét tuyển lớp 6 cho học sinh có IELTS 3.0

Trường học định cộng 20 điểm xét tuyển lớp 6 cho học sinh có IELTS 3.0

Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa đưa ra dự thảo tuyển sinh vào trường năm học 2021 – 2022.