Luật Nhà ở 2014 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo phân tích của Luật sư Trần Thái Bình, Công ty luật LNT & Partners, có 7 điểm quan trọng mà người nước ngoài cần lưu ý khi mua nhà.

Thứ nhất, người nước ngoài cần chứng minh mình có đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Theo Luật nhà ở, người nước ngoài chỉ cần “nhập cảnh hợp pháp” vào Việt Nam là đã có thể sở hữu nhà ở. Do vậy, người nước ngoài cần chứng minh “tính hợp pháp” cho việc lưu trú của mình tại Việt Nam.

Thứ hai, người nước ngoài cần chứng minh nguồn tài chính mua nhà một cách rõ ràng để dễ dàng hơn trong việc rút vốn về sau. Do đó, người nước ngoài cần mở một tài khoản tại một ngân hàng ở Việt Nam, chuyển tiền từ nước ngoài vào tài khoản này, và trả tiền mua nhà từ tài khoản. Nếu là người nước ngoài làm việc hay kinh doanh tại Việt Nam, cũng nên lưu giữ những chứng từ chứng minh nguồn thu nhập để mua nhà.

{keywords} 

Thứ ba, người nước ngoài cũng cần tìm hiểu những dự án nào họ được phép sở hữu, chỗ nào không được phép, để tránh rủi ro về sau. Lưu ý rằng họ chỉ được phép mua nhà từ các dự án phát triển nhà ở, tức từ khu dân cư mới hình thành, không được sở hữu nhà trong các khu dân cư hiện hữu. Việc kiểm tra này không khó với sự tư vấn từ các đơn vị tư vấn bất động sản có uy tín quốc tế như Savills, Collier...

Thứ tư, đến giai đoạn ký kết hợp đồng, người nước ngoài cần lưu ý về điều kiện để chủ đầu tư có thể ký hợp đồng mua bán nhà với người mua để bảo đảm rằng giao dịch hợp pháp và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Người nước ngoài cần bảo đảm chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà với mình tuân thủ đúng với mẫu đã đăng ký với cơ quan nhà nước.

Thứ năm, việc thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư tại Việt Nam có thể không giống với tập quán giao dịch tại nước của người nước ngoài, ví dụ chủ đầu tư ở Việt Nam thường không quy định họ có nghĩa vụ phải nhắc người mua nhà thanh toán, khác với tập quán giao dịch ở một số nước. Điều này có thể dẫn đến người mua nhà chậm thanh toán, và có thể bị phạt, chấm dứt hợp đồng theo như quy định trong hợp đồng. Do vậy, người mua nhà nước ngoài cần lưu ý một số khác biệt trong giao dịch mua bán. Người nước ngoài có thể thuê luật sư chuyên môn thích hợp để vượt qua các khác biệt, khó khăn này.

Thứ sáu, theo Luật Nhà ở, người nước ngoài sở hữu nhà ở vẫn có đầy đủ các quyền như: cho thuê, tặng cho, góp vốn, để thừa kế… đối với căn nhà. Tuy vậy, cần lưu ý để thực hiện được các quyền này, chủ sở hữu phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Do vậy cần quy định rõ nghĩa vụ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của bên bán nhà. Ngoài ra, khi thuê nhà, người nước ngoài sở hữu nhà phải đăng ký hợp đồng thuê với chính quyền địa phương (cơ quan quản lý nhà cấp huyện), và thực hiện kê khai thuế thu nhập đối với phần tiền thuê thì thu nhập còn lại mới được xem là thu nhập hợp pháp. Cũng như, người lưu trú trong nhà cần phải đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương. Hiện nay, cũng chưa rõ việc đăng ký này sẽ thực hiện cụ thể như thế nào đối với người nước ngoài, đối với chủ sở hữu nhà là người nước ngoài. Một số người nước ngoài băn khoăn rằng nếu họ không thường xuyên sinh sống ở Việt Nam thì thực hiện các nghĩa vụ này như thế nào? Việc này cũng trở nên dễ dàng hơn nếu họ thuê những đơn vị quản lý bất động sản thay mặt họ quản lý căn nhà, và thay mặt họ thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Thứ bảy, nếu không còn muốn sở hữu căn nhà nữa thì người nước ngoài sẽ làm như thế nào? Họ có thể bán lại cho người nước ngoài khác (đủ điều kiện) hay người Việt Nam? Hiện nay, cũng chưa có quy định rõ ràng về thủ tục để họ chuyển tiền bán nhà ra nước ngoài như thế nào. Tuy nhiên, nếu họ chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, đã nộp thuế đầy đủ thì Nhà nước phải công nhận và cho phép chuyển ra nước ngoài.

Trong thời gian tới, khi những vướng mắc trong các quy định pháp luật, được hướng dẫn chi tiết, đảm bảo thực thi một cách thống nhất và có hiệu quả trên thực tế, Luật Nhà ở 2014 sẽ tạo bước tiến mới cho thị trường.

Quốc Tuấn

Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected]