Gần đây, một số vụ ngộ độc thực phẩm có mối nguy liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, chả lụa, bánh su kem,… khiến không ít người tiêu dùng có tâm lý e ngại, hoang mang.

Theo Phòng Quản lý Chất lượng thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, thực phẩm chế biến sẵn không thể thiếu trong đời sống. 

Nguồn nguyên liệu và yêu cầu vệ sinh là hai trong số các điều kiện bảo đảm an toàn cho thực phẩm chế biến sẵn. Yêu cầu vệ sinh trong chế biến thường bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất và con người. Nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng vừa giúp sản phẩm đạt chất lượng, vừa là quy định cần tuân thủ khi sản xuất, chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, thực phẩm chế biến sẵn khi đến tay người tiêu dùng cần được sử dụng và bảo quản hợp lý để phòng tránh nguy cơ gây ngộ độc. Khi sử dụng, người dân cần tuân thủ điều kiện bảo quản của nhà sản xuất theo thông tin trên bao bì sản phẩm.

Nếu sản phẩm chỉ sử dụng trong ngày, bao gói đơn giản thì cần được sử dụng ngay trong ngày. Tùy loại, bảo quản thực phẩm chế biến sẵn phải bảo đảm việc lưu giữ trong khu vực, dụng cụ, trang bị chuyên dùng (tủ kín, tủ lạnh, buồng lạnh, kho lạnh...).

W-banhsukem-1.jpg
Thực phẩm chế biến sẵn khi đến tay người tiêu dùng cần được sử dụng và bảo quản hợp lý. Ảnh minh họa: Hoàng Linh

Để tránh nhiễm chéo khi bảo quản, thực phẩm cần được bọc trong các hộp đựng, bao gói an toàn, không thôi nhiễm, không thủng bao bì, không rỉ sét, có nắp đậy kín, dễ chùi rửa.

Cần lưu ý bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn trong thời gian hợp lý theo yêu cầu của nhà sản xuất; không để ô nhiễm do môi trường, côn trùng, vi sinh vật nhằm làm giảm nguy cơ ngộ độc (đặc biệt là do vi sinh vật) có thể gây tử vong. Các bác sĩ cũng lưu ý, khi sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, tùy loại sản phẩm mà có thể gia nhiệt (nấu, nướng, hấp, sử dụng lò vi sóng,…) để tiêu diệt vi sinh vật nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc do chúng gây ra.

Hoàng Linh