Truyền bá tiếng Việt cho thế hệ kiều bào trẻ

Trong xu thế hội nhập, tiếng Việt đối mặt với nguy cơ mai một, mất dần sự trong sáng khi các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa được giáo dục đầy đủ, có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của tiếng Việt.

Bối cảnh đó đặt ra nhu cầu cấp thiết cần giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Đó là nhiệm vụ quan trọng, vừa đòi hỏi thời gian và tâm huyết, vừa mang giá trị thực tiễn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bởi tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống. 

Với nỗ lực miệt mài của hàng ngàn giáo viên và tình nguyện viên người Việt Nam ở nước ngoài, công cuộc truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở Đức đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

truong tieng viet.jpg
Các em học sinh trong Trường tiếng Việt AWO.

Hiện nay, tại nhiều thành phố ở Đức, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống như Berlin, Dresden, Leipzig, Magdeburg… các hội đoàn người Việt cũng đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào, với các giáo viên người Việt đảm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao. 

Tại bang Berlin, Brandenburg và Sachsen, tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy tại các trường như ngoại ngữ tự chọn và các giáo viên người Việt tham gia giảng dạy được chính quyền bang trả lương theo số giờ đứng lớp.

Đặc biệt, quốc gia này đã có Trường tiếng Việt AWO thuộc Trung tâm đa văn hóa Bayouma-Haus ở quận Friedrichshain-Kreuzberg, Thủ đô Berlin. Trường được thành lập năm 2008 do cô giáo Nguyễn Thu Loan phụ trách và trực tiếp giảng dạy tiếng Việt vào các ngày chủ nhật.

Các lớp học tiếng Việt từ chỗ chỉ có khoảng 10 học sinh, dần dần đã lên tới 60 - 70 học sinh, có thời điểm đông lên tới 80 học sinh, khiến cô Nguyễn Thu Loan phải chia làm 3 lớp, 3 ca khác nhau. Sau 15 năm, trung tâm đã có hàng nghìn học sinh theo học.

Ngoài tiếng Việt được giảng dạy theo các bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, cô giáo Nguyễn Thu Loan còn lồng ghép trong buổi học các chủ đề về gia đình, đất nước và những nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Ngày 19/11, Trường tiếng Việt AWO tổ chức Ngày hội Gia đình, đúng dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đến dự buổi lễ có ông Phan Quang Văn, Bí thư thứ nhất, phụ trách Bộ phận giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức; ông Oliver Nöll, Phó Quận trưởng quận Friedrichshain-Kreuzberg, Ủy viên Hội đồng quận về dịch vụ dân sự; bà Natascha Garay, Giám đốc Trung tâm đa văn hóa Bayouma-Haus, cùng đông đảo các thế hệ học sinh và phụ huynh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Oliver Nöll cho biết, trong nhiều năm qua có nhiều nhóm người nước ngoài chuyển đến sinh sống ở quận Friedrichshain-Kreuzberg nhưng người Việt là nhóm lớn nhất. Ông bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt trong khối cộng đồng chung của quận.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Phan Quang Văn nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực của Trường tiếng Việt AWO, của các thầy cô giáo và các em học sinh.

Ông Phan Quang Văn ghi nhận những đóng góp của Trung tâm đa Văn hóa Bayouma Haus, các tổ chức đoàn thể người Việt ở Đức trong việc thúc đẩy phong trào dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Berlin. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, việc học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì giúp người Việt hòa nhập tốt hơn với xã hội sở tại, đồng thời giúp giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, ông Phan Quang Văn cũng thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức trao tặng một số sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho Trường tiếng Việt AWO.

Tạo động lực, truyền cảm hứng học tiếng Việt

Tại Đức, ý thức gìn giữ, phát triển và bảo tồn văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt ở kiều bào trẻ ngày càng được nâng cao. Qua đó, những người con đất Việt càng phát huy được truyền thống dân tộc, yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau giữa đất nước hiện đại, đa dạng về văn hóa - sắc tộc này.

Đặng Trần Quế Anh (SN 2004) tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi. Hiện, Quế Anh và gia đình là hội viên của Hội từ thiện Sen Vàng Berlin. Nhiều năm liền, Quế Anh tham gia vào các hoạt động từ thiện như phát sữa cho trẻ em Bệnh viện Nhi Hà Nội. Quế Anh cùng gia đình quyên góp, vận động xây nhà tình nghĩa tại Hưng Yên, Hòa Bình cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ những đóng góp đó, Quế Anh được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vinh danh năm 2023.

que-anh-1.jpg
Quế Anh (thứ 2 bên trái) nhận bằng vinh danh của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó, Quế Anh cũng là thành viên tích cực trong các hoạt động thúc đẩy tiếng Việt tại Berlin, vận động các gia đình đưa con em đến lớp học tiếng Việt. 

“Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ, đó là sợi dây để kết nối chúng em với Việt Nam, với chính đồng bào mình ở Đức. Được gia đình chú trọng dạy tiếng Việt từ nhỏ, em càng thấu hiểu tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ. Nếu không giữ được tiếng nước mình, không nói được tiếng nước mình, thì mình sẽ đánh mất đi bản sắc, cội nguồn. Em lớn lên, biết cảm nhận sâu sắc về tình người, về sự chia sẻ với người khó khăn cũng một phần nhờ vào ca dao, tục ngữ của Việt Nam mà mẹ vẫn hát ru em hồi bé”, Quế Anh chia sẻ.

Cô gái Bùi Trần Hà My (SN 1988) được biết đến khi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Đức và Việt Nam như bán nem gây quỹ cho Rostock Fund for Children with Heart Diseases, phiên dịch cho người Việt trong đợt dịch Covid-19, tặng khẩu trang…

Chia sẻ về việc tham gia phiên dịch cho người Việt tại Đức, Hà My kể: “Em lớn lên ở Đức nhưng gia đình luôn dạy tiếng mẹ đẻ, tạo môi trường giao tiếp thường xuyên nên em nói được song ngữ. Những năm gần đây, em tham gia hỗ trợ người lao động, du học sinh chưa thông thạo tiếng Đức trong các hoạt động pháp lý, xã hội, khám chữa bệnh. Em cũng xin trợ giảng tại các lớp dạy tiếng Việt để tăng cường vốn tiếng Việt . Qua đó, tạo động lực, truyền cảm hứng vào công cuộc truyền bá tiếng Việt cùng các cô chú trong cộng đồng”.

Có thể thấy, mỗi kiều bào là một đại sứ quan trọng góp phần quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt; từ đó góp phần gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài. 

Năm 2023 là năm đầu tiên đặt nền móng cho việc thực hiện “Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”, ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm, hưởng ứng từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là các hội đoàn, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài. 

Các hoạt động, sự kiện Tôn vinh tiếng Việt với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã được tổ chức rộng khắp trong và ngoài nước như văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, diễn đàn, hoạt động tri ân, xây dựng tủ sách tiếng Việt… Những hoạt động này đã đẩy mạnh và giúp công tác bảo tồn tiếng Việt tại Đức nói riêng, các nước trên thế giới nói chung ngày càng phát triển.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV