Tối đi làm về, tôi nghe con gái kể chuyện: Hôm nay đến thăm ông nội H. bị ngã, phải nằm viện. Khi về, ông nắm tay hai đứa và nói lời cảm ơn.
Nhưng ông không chỉ cảm ơn các con đến thăm mà cảm ơn chuyện khác. Ông bảo: “Cảm ơn các cháu, đã biết nghĩ cho gia đình. Ông mới nghe bố H. nói, các cháu đã quyết định tiến tới hôn nhân. Thế là ông mừng. Lớp trẻ bây giờ chỉ nghĩ đến cuộc sống cá nhân, chạy theo công việc, hết việc là vui chơi, du lịch, tụ tập chơi bời thâu đêm suốt sáng thỏa thích theo ý mình mà không muốn lập gia đình, sinh con, chẳng quan tâm người lớn nghĩ gì, muốn gì”.
Nỗi lo về một sự đứt gãy
Lời tâm sự bên giường bệnh của cụ ông 86 tuổi với đứa cháu nội đầu tiên về chuyện thành gia lập thất, khi chuyện lười yêu, lười cưới và lười sinh con đang phổ biến trong giới trẻ hiện nay, âu cũng không còn là cá biệt, nói lên nỗi lo về một sự đứt gãy trong quan niệm về tình yêu, gia đình, con cái và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ông bà… Nhất là khi mới đây, báo cáo của cơ quan quản lý cho thấy đã đến lúc phải báo động về dân số khi mức sinh đang trên đà giảm thấp.
Khác với vài ba mươi năm trước, khi chúng ta sốt sắng thực hiện mục tiêu kìm hãm gia tăng dân số, nghiêm cấm phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, nhiều nơi coi công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là trọng tâm trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Đường ngang ngõ dọc, chỗ nào cũng thấy pa-nô, áp-phích tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Mấy bài hò vè kiểu “nào chị em chúng ta đi đặt vòng, vòng số 8 hay vòng số 9…” cứ phát ông ổng trên loa truyền thanh.
Cán bộ dân số năng nổ, lên chức nhanh lắm. Có chị đơn thân làm cán bộ ở huyện nọ, nhà mỗi cậu con trai, làm dân số hăng hái đến mức hô hào “cho cán bộ công chức, giáo viên nghỉ việc nếu sinh con thứ 3, buộc thôi việc nếu sinh con thứ 4…”.
Lúc cấm thì cấm mấy cũng đẻ. Vì quen rồi, “trời sinh voi sinh cỏ” lo gì! Hơn nữa, người ta cũng chả muốn sinh con thứ ba, thứ tư làm gì, khi cuộc sống không mấy dư dả. Cái họ muốn là có cậu con trai nối dõi tông đường. Mà muốn thay đổi quan niệm này, nhất là với nông thôn, lại là nông thôn Bắc bộ nữa thì khó như bắc thang lên trời.
Thay đổi một nếp nghĩ cũ của người Việt Nam, không thể chỉ bằng một quyết định hành chính là xong.
Thay vì đưa ra những con số “dọa người”…
Giờ thì không cấm, thậm chí khuyến khích mà nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn không muốn sinh con thứ hai, chứ đừng nói là thứ ba, thứ tư.
Trong sinh hoạt hàng ngày với các gia đình trẻ bây giờ, chi phí nuôi con dường như được ưu tiên số 1, chiếm phần lớn tài chính của gia đình. Hai vợ chồng thu nhập chỉ từ 20 triệu đồng/tháng, thì sinh con thứ hai “cạp đất mà ăn” thật. Đến lương 30 - 40 triệu có người còn chả dám sinh nữa là!
Xin không bàn về những hệ lụy cho đất nước khi mức sinh giảm sâu dẫn đến mất cân bằng dân số. Thậm chí có người còn dự báo đến năm 2500, nước ta chỉ còn 3,6 triệu người. Nghe mà hãi!
Xưa nay, hình như chưa có nước nào phải tuyệt diệt vì dân không đẻ, ngoại trừ chiến tranh và thảm họa thiên tai. Nhưng tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến số người trong độ tuổi lao động từ 20 đến 65 tuổi hụt đi trong tương lai gần. Đất nước sẽ phải đối mặt với già hóa dân số, thiếu lao động trẻ, hệ quả phải “nhập khẩu” lao động để thay thế, gây bất lợi cho kinh tế.
Trước thực trạng đó, cách đây vài năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Trong đó, chỉ rõ các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên mà chính quyền địa phương cần triển khai và thực hiện ngay là nghiên cứu, ban hành biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Nên thay vì đưa ra những con số để “dọa người”, các nhà chuyên môn nên thiết kế chính sách thật cụ thể để tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các địa phương, thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân sinh đủ hai con; như khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi; giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình cho phụ nữ sinh đủ 2 con; ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên cho con vào các trường công lập, miễn giảm học phí; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho trẻ mầm non, tiểu học đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; ưu tiên thời gian, chế độ chăm sóc sức khỏe cho lao động nuôi con nhỏ; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con chăm sóc và nuôi dạy con tốt; từng bước thí điểm tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Một điều nữa là cần rà soát, bãi bỏ các chính sách hạn chế sinh ít con bằng chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con, nhất là ở những vùng có mức sinh thấp. Ngay cả những qui định về kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, nếu có thể cũng phải tính toán, thay đổi cho phù hợp.
Thực tế cho thấy, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ rất thấp trở về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư rất lớn. Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Nga, Hungary, các nước Bắc Âu đều đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con thứ hai, thứ ba rất thiết thực. Đó cũng là những cách làm đáng để chúng ta có thể học tập, nếu không muốn phải nhận hậu quả sau vài ba mươi năm nữa.
Không chính sách nào có thể quyết định thay chủ ý của những cặp vợ chồng trẻ trên giường ngủ của họ. Sinh con hay không, sinh một, hai hay ba con là do họ quyết định. Khi những cặp vợ chồng trẻ vẫn còn vật vã với chuyện nuôi dạy con cái, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, trong khi kinh tế vẫn khó khăn, việc làm bấp bênh, thu nhập không cải thiện thì khó đòi hỏi họ phải “sinh con vì đất nước”.