Mô hình nào cần thiết để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững cho ĐBSCL, hoàn thành “một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”?

Bài 1: Bài học thua lỗ của Hàn Quốc cảnh báo Việt Nam

Đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế

GS. Chung Hoàng Chương - Đại học San Francisco, Mỹ, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) nhận định rằng việc chọn mô hình, phát triển sản phẩm phải song song với việc linh hoạt thay đổi mô hình một cách có lộ trình nhằm thích nghi với môi trường. Cần nhớ rằng nước mặn sẽ ở với chúng ta lâu dài, các giải pháp không thể loại bỏ hoàn toàn tác động của biến đổi khí hậu, nên chúng ta phải tìm cách giữ sinh kế an toàn, làm sao để người dân và sản xuất tại ĐBSCL được đảm bảo.

Theo các chuyên gia trao đổi, sáu cấp độ của cộng đồng để ứng biến với một vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu bao gồm (i) cộng đồng làng xã; (ii) cộng đồng quận, huyện; (iii) cộng đồng tỉnh, thành; (iv) cộng đồng quốc gia; (v) cộng đồng khu vực; (vi) cộng đồng quốc tế.

Các cấp độ này cần phải gắn kết nhiều thành phần khác nhau của xã hội cùng tham gia. “Điều mà các nhà khoa học trăn trở là làm sao để chính quyền các cấp nhất là chính quyền địa phương ở ĐBSCL nhận thấy rằng nếu chậm trễ trong việc giảm thiệt hại và thích ứng với hạn mặn thì hàng triệu đồng bào ở khu vực này sẽ bị nghèo hóa”, PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-TP. HCM phát biểu trong một tọa đàm về chống ngập mặn diễn ra hồi đầu tháng 5.

Những giải pháp khả dĩ hiện nay mà Việt Nam cần lưu ý triển khai thực hiện để “cứu sống” và phát triển ĐBSCL là: (1) chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với hạn mặn chứ không thể trong chờ hoàn toàn vào xả nước rửa mặn của các nước khu vực thượng nguồn sông Mekong; (2) đẩy mạnh liên kết địa phương và khu vực; (3) tận dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giúp người dân ở đây và (4) cần một “nhạc trưởng” cho các nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này.

Biện pháp trước mắt là phải sử dụng tri thức bản địa của chính những cộng đồng cư dân địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nhất là trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp để đảm bảo vấn đề lương thực.

{keywords}

Hàng chục tấn hàu chết vì nước nhiễm mặn ở ĐBSCL vừa qua. Ảnh: Đinh Tuấn

Lường trước kịch bản xấu

Theo GS. Chung Hoàng Chương, một số tỉnh cần phải nghĩ cách làm sao để phát triển kinh tế biển. Đã có một số thí dụ thế giới để có thể học hỏi. Chẳng hạn như vùng Châu Giang Thượng Hải. Các tỉnh ĐBSCL với ưu thế bờ biển cần tận dụng ưu thế để phát triển ra phía Đông. Vì đến một lúc nào đó khu vực này với nhiều tác động khác nhau khiến sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và bất ngờ hơn nữa.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng cần lường trước là bản thân các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cũng gặp thách thức. Như sống chung với mặn và phát triển thủy sản sẽ làm mất đi sản lượng nông sản, chưa kể nhiều hộ chỉ giỏi trồng cây ăn trái và có diện tích đất canh tác nhỏ nên rất khó chuyển đổi. Còn nếu ngăn mặn bằng đê bao thì sợ ảnh hưởng hệ sinh thái của toàn vùng, biến hệ sinh thái sông của các tỉnh thành hệ sinh thái hồ khép kín.

Theo ông Huỳnh Quang Đức – Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre, việc cần thiết nhất phải làm là xây dựng vùng nguyên liệu. Chẳng hạn, ca-cao Bến Tre được đánh giá là tốt nhất thế giới và có thể xin tiêu chuẩn vàng, nhưng hiện vẫn đang được trồng xen với dừa. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm thực biển, khu vực trồng suy giảm, từ 10.000 ha xuống còn 3.000 ha. Vì vậy sắp tới Tỉnh sẽ tìm hiểu và quy hoạch lại vùng tiềm năng để phát triển vùng ca-cao lâu dài, nâng quy mô vùng nguyên liệu lên 4-5.000 ha.

Đẩy mạnh “tôm ôm lúa”

Đẩy mạnh mô hình “tôm ôm lúa” là một trong những lời giải cho ngập mặn cho khu vực ĐBSCL. TS Ngô Thị Phương Lan (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV) đã nhấn mạnh trong một trao đổi ý kiến về đề tài này. TS. Lan cho rằng “Việc chuyển đổi từ lúa sang tôm là để tận dụng lợi thế của nguồn tài nguyên nước mặn. Thực tế, mô hình luân canh này đã có từ lâu và khi con tôm trở nên có giá trị kinh tế cao thì mô hình này ngày càng phát triển hơn”.

Việc trồng lúa sau khi nuôi tôm giúp cải tạo đất, giúp tôm đỡ bị dịch bệnh và đảm bảo người dân có đủ lương thực. Những vùng như Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Cái Nước (Cà Mau), Kiên Giang… đã rất thành công khi thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ  lúa sang tôm. TS Lan cho biết, ĐBSCL chiếm gần 90%  tổng diện tích nuôi tôm khoảng 600.000 ha ở nước ta hiện nay. Bên cạnh lúa gạo, xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng trong top 5 thế giới. Mô hình lúa - tôm được áp dụng nhiều nhất ở Kiên Giang với khoảng 70.000 héc ta. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mô hình chuyển đổi lúa - tôm chưa được thực hiện một cách rộng rãi. TS. Lan lý giải: “Thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu vốn, thiếu giống, thiếu kiến thức là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ‘bất ổn’ cho người nuôi tôm”. Ngoài ra, “chính sách và quy hoạch của Nhà nước cũng chưa theo kịp thực tế phát triển ngành này, chưa đề cập đến đầu ra cho con tôm mà để thị trường tự điều tiết”.

Trần Thắng