Hội chợ việc làm dành cho sinh viên và học viên tốt nghiệp năm 2024 vừa diễn ra tại Đại học Sư phạm Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc). Gian hàng của một trường THPT ở Dương Châu (tỉnh Giang Tô) thu hút sự quan tâm của nhiều ứng cử viên.
Theo đó, trường đã đề ra mức lương khởi điểm từ 200.000-500.000 NDT/năm (672 triệu-1,6 tỷ đồng) để chiêu mộ giáo viên. Cụ thể, đối với các môn cơ bản như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Chính trị và Thể dục ứng cử viên phải là nghiên cứu sinh trở lên. Điều kiện để xét tuyển, họ cần đảm bảo các yếu tố sau:
Thứ nhất, đạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi liên quan đến học thuật dành cho sinh viên hoặc giải Ba cấp quốc gia trở lên. Thứ hai, đạt giải Nhất cuộc thi Nghiệp vụ sư phạm (thi tay nghề) cấp trường hoặc giải Ba cấp tỉnh trở lên. Thứ ba, đạt các bằng khen về thành tích toàn diện như: ‘Sinh viên 3 tốt’ (đạo đức, trí tuệ và thể chất), ‘sinh viên ưu tú’ hoặc tốt nghiệp loại xuất sắc.
Đối với môn tiếng Anh và tiếng Trung, ứng cử viên tối thiểu là nghiên cứu sinh. Những người này phải đảm bảo chắc chắn sẽ tốt nghiệp tiến sĩ năm 2024.
Đối với giáo viên chuyên luyện thi học sinh giỏi các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và Toán học tối thiểu là nghiên cứu sinh. Để ứng tuyển vào vị trí này, ứng viên phải đảm bảo các yêu cầu sau: Một, tốt nghiệp và có bằng tiến sĩ năm 2024. Hai, ứng viên phải đạt giải Nhất một trong ba kỳ thi sau: Học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia, Olympic cấp THCS hoặc THPT.
Nếu trường hợp, ứng cử viên chưa tốt nghiệp tiến sĩ năm 2024 buộc phải có khả năng và thành tích đã từng dẫn dắt học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc Olympic cấp THCS, THPT. Tối thiểu phải có học sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh.
Lương giáo viên trường đưa ra như sau, đối với các môn cơ bản dao động từ 200.000-300.000 NDT/năm (672 triệu-1 tỷ đồng). Thầy cô có bằng tiến sĩ mức lương từ 250.000-400.000 NDT/năm (840 triệu-1,3 tỷ đồng). Giáo viên chuyên luyện thi mức lương từ 400.000-500.000 NDT/năm (1,3-1,6 tỷ đồng).
Thừa nhận đây là mức lương tốt dành cho giáo viên, nhưng nhiều người vẫn phàn nàn trường đưa ra quá nhiều yêu cầu cao, rất khó để tuyển dụng. Phần lớn họ bày tỏ sự không hài lòng với các điều kiện nhà trường đề ra. Mặc dù tỷ lệ thạc sĩ và tiến sĩ ở Trung Quốc tương đối cao, nhưng không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu trên.
Nói cách khác, ngay cả những sinh viên hoặc học viên tốt nghiệp loại xuất sắc từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh cũng chưa chắc đạt yêu cầu của trường, nếu không có giải Olympic THCS, THPT hoặc giải học sinh giỏi quốc gia.
"Nhà trường không nên lấy kinh nghiệm từng đoạt giải thưởng học sinh giỏi làm tiêu chí để đo lường khả năng giảng dạy của giáo viên", một người bình luận.
Xoay quanh những ý kiến trái chiều, ông Lý Triệu Khải - Trưởng phòng nhân sự của trường, cho biết: “Đừng từ góc độ phát triển trường học, chúng tôi không ngừng tăng cường bồi dưỡng và nâng cao chất lượng giáo dục cho những tài năng trẻ của đất nước. Để làm được điều này, chúng tôi cần phải tối ưu hóa đội ngũ giáo viên của trường”.
Việc chiêu mộ giáo viên với mức lương tốt, nhà trường mong muốn nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm tải áp lực học thêm cho học sinh. Đồng thời, đây cũng là cách, trường ‘chung tay' với chính phủ Trung Quốc xóa tận gốc nền công nghiệp dạy thêm từng được định giá 2.000 tỷ NDT (310 tỷ USD).
Hiện nay, nhiều trường học ở Thâm Quyến, Giang Tô (Trung Quốc) sẵn sàng trả lương cao để chiêu mộ giáo viên với mong muốn cung cấp cho học sinh nền giáo dục tốt nhất. Điều này, giúp cho sinh viên đại học nhận thức được việc muốn sở mức lương tốt, buộc họ phải nâng cao trình độ học vấn và năng lực cá nhân.
Theo Sohu