Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu mới sẽ được áp dụng. Theo đó, với mỗi năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương của lao động nữ sẽ giảm từ 3% xuống 2%, đồng thời, tăng thêm số năm điều kiện. Điều này được đánh giá là sẽ gây tác động lớn tới lực lượng lao động vốn được xem là nhiều thiệt thòi này.
Từ 1/1/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động có sự thay đổi theo chiều hướng tăng số năm điều kiện, đặc biệt với lao động nữ, tỷ lệ phần trăm lương hưu mỗi năm giảm từ 3% xuống 2%. Đồng thời, lao động nữ phải tăng thêm 5 năm tham gia BHXH nữa mới được hưởng lương hưu mức 75%.
Lao động nữ “thiệt đơn thiệt kép”
Lao động nữ hiện chiếm hơn 50% lực lượng lao động cả nước. Việc thay đổi chính sách lương hưu từ 1/1/2018 tới đây sẽ gây tác động lớn tới số lao động này. Đặc biệt là lao động trong khu vực ngoài nhà nước, bởi trước đây để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu khi đủ tuổi đã là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ tham gia đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng. Trong khi đó, nếu nghỉ hưu trước năm 2018, lao động nữ chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ lương hưu này.
Cách tính lương hưu mới được áp dụng từ 1/1/2018 với người lao động. |
Nói dễ hiểu hơn, với lao động nữ sau 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%. Nhưng sau ngày 1/1/2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%. Như vậy, nếu lao động nữ làm đóng BHXH được 25 năm, nếu nghỉ việc vào ngày 31/12/2017 thì sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, tuy nhiên, nếu sau đó chỉ 1 ngày, tức 1/1/2018, tỉ lệ lương hưu tối đa họ được hưởng chỉ còn mức tối đa 65%. Do đó, theo quy định mới này, người lao động phải tăng thời gian tham gia BHXH thêm 5 năm nữa mới được hưởng 75% lương. Lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2%/năm.
Được biết, trong lần sửa Bộ Luật Lao động năm 2012, Ban soạn thảo mà chủ trì là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã mấy lần đưa phương án nâng tuổi hưu của lao động nữ vào dự án sửa đổi. Tuy nhiên do các luận cứ đi kèm không thuyết phục nên bị Quốc hội bác, không thông qua.
Tại thời điểm này, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (cũng do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì soạn thảo) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ đột ngột từ 3% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống còn 2%. Nhưng các ý kiến này không được tiếp thu, chỉnh sửa, để rồi khi trình Quốc hội thông qua, một số ý kiến không đồng tình của đại biểu Quốc hội là cán bộ Công đoàn đã không đủ sức nặng để ngăn cản một điều luật gây tổn hại nặng nề quyền lợi của lao động nữ như thế.
Theo BHXH Việt Nam, việc thay đổi cách tính lương hưu mà không có lộ trình sẽ ảnh hưởng nhiều đến lao động nữ, nhất là đối với lao động nữ đóng BHXH dưới 30 năm, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định gây thiệt thòi quá lớn cho lao động nữ.
Như ông Bùi Sỹ Lợi- Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng nhận định: “Theo cách tính mới, lương hưu của người lao động sẽ bị giảm, nhất là lao động khu vực tư gồm doanh nghiệp tư nhân”.
Cũng theo các chuyên gia lao động, so với nam giới được tăng dần số năm hưởng mức lương hưu tối thiểu (45%) từ 15 năm lên 16 năm, 17 năm, 18 năm… thì việc đột ngột giảm tỉ lệ lương hưu kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi từ 3% xuống 2% của lao động nữ là quá bất công, thiệt thòi.
Bởi theo con số thống kê thời gian đóng BHXH bình quân của người nghỉ hưu trong 4 năm trở lại đây thì lao động nữ có thời gian đóng BHXH bình quân là 29 năm, như vậy, yêu cầu trên 30 năm đóng BHXH để được hưởng 75% lương hưu là rất khó. Đồng thời, lao động nữ lại thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc không ổn định, do đó, việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ gây tác động lớn tới khu vực lao động này.
Chấp nhận chuyện tăng tuổi hưu của lao động nữ là điều chắc chắn sẽ diễn ra bởi đó là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế cũng như để cân đối Quỹ BHXH trong tình hình tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên. Tuy nhiên, phải khẳng định, một khi tuổi hưu của lao động nữ chưa nâng lên thì vội vàng thực hiện điều luật giảm lương hưu của nữ là bất hợp lý. Công bằng ở đâu cho những lao động nữ đóng BHXH 25 năm, sau một đêm ngủ dậy đã mất đến 10% lương hưu?
Tăng lĩnh BHXH 1 lần- báo động quỹ hưu trí
BHXH vốn dĩ là chính sách an sinh xã hội tốt đẹp của nhà nước. Mục tiêu của nó là đóng hiện tại để hưởng ở tương lai, đóng khi còn trẻ để được sống khỏe khi đã già. Thế nhưng thực tế đang cho thấy một điều ngược lại. Quy định tăng thời gian đóng nhưng lại giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của người lao động, nhất là lao động nữ kể từ năm 2018 là một bước lùi sâu hơn của chính sách.
Để đóng BHXH đủ 25 năm, thậm chí 20 năm là mức tối thiểu để hưởng lương hưu đã là một điều vô cùng khó khăn đối với lao động nữ. |
Điều này trả lời cho câu hỏi vì sao người lao động thích nhận BHXH một lần thay vì để dành cho tương lai, thậm chí nhiều người đã ngầm thỏa thuận với chủ để không đóng BHXH. Chủ một doanh nghiệp tại TP HCM từng chia sẻ, hiện, trong hồ sơ nhân sự của doanh nghiệp đã không còn người lao động nào có thời gian làm việc 20 năm. Dù thực tế, không ít người đã có mặt và làm việc tại công ty trên 20 năm. Lý do là hầu hết người lao động làm việc đến năm thứ 19 đều nộp đơn xin nghỉ việc và nhận BHXH "một cục", sau đó trở lại làm việc thời vụ.
Con số lao động xin lĩnh BHXH một lần theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 4 năm qua đã lên tới 2,5 triệu người. Riêng năm 2016, có 665.000 người và dự kiến năm 2017 là 690.000 lĩnh BHXH một lần. Tuy nhiên, nếu nhận BHXH một lần, sẽ tương đương với việc người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Như vậy, rõ ràng chính sách BHXH lại không thể thực hiện được mục đích an sinh xã hội đã đề ra.
Do đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Định - Nguyên Trưởng Bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo, lĩnh BHXH một lần là tình trạng đáng báo động với các nhà quản lý chính sách bởi mục tiêu là mở rộng diện bao phủ BHXH nhưng ngày càng nhiều người chọn ra. Năm 2016, số người tham gia vào hệ thống BHXH là hơn 700.000, thì số người nhận BHXH một lần cũng tương đương.
“Lao động đồng loạt xin rút tiền một lần, trước mắt sẽ không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ hưu trí quốc gia. Cụ thể là số người đóng góp sẽ bị giảm đi, trong khi số tiền quỹ phải chi ra để trả lương hưu một cục hoặc trả lương hưu hàng tháng sẽ nhiều hơn. Sự tác động hai chiều như vậy sẽ khiến cho quỹ hưu trí bị giảm đi rất nhanh, là nguy cơ đẩy hệ thống hưu trí chính thức phải đối mặt với nhiều thách thức lớn”, ông Định cảnh báo.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)