Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.
Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương.
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.
Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “bí thư không là người địa phương”.
Năm 2001, đang là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông Vũ Trọng Kim được luân chuyển về Quảng Trị làm Bí thư Tỉnh uỷ.
“Thời điểm đó, anh Nguyễn Văn An - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến gặp tôi và cho biết, Trung ương muốn điều động một cán bộ về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị. Không do dự gì thêm, tôi nhận lời với tâm thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”, ông Vũ Trọng Kim nhớ lại.
Khi mới làm Bí thư Quảng Trị, ông Kim nhận thấy, trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không có vấn đề gì. Tuy nhiên, ‘vòng ngoài’ có nhiều luồng ý kiến, họ muốn lấy người tại chỗ lên làm Bí thư Tỉnh ủy. Có nhiều người còn nói rằng "Quảng Trị hết người rồi sao mà lấy người nơi khác về". Thậm chí có người truyền tin rằng ông Kim về ‘tráng men’, một thời gian lại đi.
Nhưng với bản lĩnh của chàng thanh niên miền biển tỉnh Quảng Nam, được rèn luyện trong kháng chiến ở Tây Nguyên, rồi trưởng thành trong công tác đoàn, ông Vũ Trọng Kim không ái ngại với những gì mình phải đối mặt khi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
Nhiệm vụ quan trọng nhất được ông Vũ Trọng Kim xác định khi mới làm Bí thư Quảng Trị là ổn định tình hình cơ sở để mọi người tập trung làm việc. “Sự đoàn kết, nhất trí đó sẽ xoá đi nghi ngờ của người dân về người đứng đầu tỉnh nhưng ở địa phương khác đến. Tức là phải đặt được dấu chấm hết cho giai đoạn cũ, mở ra giai đoạn mới với sự đồng lòng, nhất trí vượt qua khó khăn, thử thách”, ông Kim chia sẻ.
Thực tế phải mất 2 năm ở Quảng Trị, ông Vũ Trọng Kim mới ổn định được tình hình. Để làm được điều đó, năm 2003, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Trọng Kim phải tự nhận hình thức khiển trách với Trung ương, do chưa làm tròn nhiệm vụ.
“Tôi nhận kỷ luật như vậy là để gợi mở cho những người gây ra tình trạng mất đoàn kết, nhận trách nhiệm một cách nhẹ nhàng. Nhờ đó mới luân chuyển được họ sang vị trí công tác khác để ổn định tình hình trong tỉnh”, ông Kim cho hay.
Từ câu chuyện của bản thân và thực tiễn trong công tác cán bộ thời gian qua, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, chủ trương Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương đã tạo sự đổi mới mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở từng tỉnh thành. Điều đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở nhiều địa phương. Trong công tác cán bộ, khi Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương thì việc luân chuyển, bổ nhiệm cũng công tâm, khách quan hơn.
Nhưng để có được kết quả đó, theo nguyên Bí thư Quảng Trị, trong mắt của người làm công tác tổ chức phải tính toán kỹ năng lực, trình độ chuyên môn, thậm chí cả tính cách của từng cán bộ trong diện quy hoạch để đề bạt, bổ nhiệm về làm Bí thư tỉnh thành. Tức là Trung ương luôn đào tạo, chuẩn bị sẵn nguồn cán bộ để luân chuyển về nơi có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng Kim, với những cán bộ sẵn sàng dấn thân, đương đầu với thử thách mới là yếu tố quan trọng nhất khi bố trí họ làm Bí thư Tỉnh uỷ. “Nếu không có tính chiến đấu, không chịu tìm tòi cái mới thì vị bí thư được luân chuyển khó lập ‘chiến công’ với địa phương. Tức là người ở nơi khác về cũng không thoát được cái bóng của một số vị bí thư địa phương: không chịu tìm hiểu, không chịu phát hiện, bằng lòng với việc mình làm, thậm chí thỏa hiệp với cả cái sai”, ông Kim nói.
Ông Vũ Trọng Kim nhớ lại khi về Quảng Trị làm Bí thư Tỉnh ủy, ông nêu ra ý tưởng làm cầu Cửa Tùng trên sông Bến Hải đã bị nhiều cán bộ ở đây hoài nghi về tính khả thi của dự án. Họ cho rằng đây là điều không tưởng. Còn ông thì vẫn quyết tâm đề xuất với Trung ương làm cầu Cửa Tùng để phát triển du lịch ven biển, kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng cho tỉnh Quảng Trị.
Tháng 9/2003, cầu Cửa Tùng được khởi công, với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng. Đầu năm 2007, cầu khánh thành, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân cư ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh. Từ đó, người dân nơi đây còn gọi cầu Cửa Tùng là "cầu ông Kim".
“Nói như vậy để thấy rằng, người tại chỗ thì nhìn cái gì cũng có thể như nhau. Nhưng người nơi khác đến sẽ dễ nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thấy những điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển”, nguyên Bí thư Quảng trị chia sẻ.
Từng ‘chân ướt chân ráo’ về Quảng Trị làm Bí thư Tỉnh uỷ hơn 20 năm trước, đến nay, ông Vũ Trọng Kim nhận thấy chủ trương bố trí Bí thư tỉnh không là người địa phương là quyết định cực kỳ đúng đắn và đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Do vậy, theo ông, Trung ương phải sàng lọc thật tốt đội ngũ cán bộ sẵn sàng về địa phương để dấn thân. Bên cạnh đó, cũng phải tránh được tình trạng cán bộ chạy chức, chạy quyền, về địa phương để tráng men, làm đẹp hồ sơ, đủ tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn.
Cũng phải tránh tình trạng chỗ thuận lợi nhiều người muốn đến mà bố trí cán bộ không phù hợp với năng lực, sở trường và yêu cầu của chính địa phương đó. Và một khi đã chọn đúng người, thì địa phương đó sẽ có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề nội bộ.
“Thực tiễn đã chứng minh chủ trương này hoàn toàn đúng đắn. Nhiều cán bộ được luân chuyển về địa phương đã thể hiện được mình qua sự dấn thân, sẵn sàng làm việc khó, đề bạt cái mới để địa phương phát triển”, ông Vũ Trọng Kim nói thêm.