- Tiền lương của tôi mỗi tháng 50 triệu, chưa kể tiền làm thêm. Tổng thu nhập chắc chắn không dưới 70 triệu một tháng, nhưng tôi vẫn mừng tuổi tết các cháu chỉ 20 ngàn.
Tết năm nào cũng nghe mọi người kêu ca chuyện tiền nong mừng tuổi. Cá nhân tôi thấy tục mừng tuổi ngày càng bị biến tướng, vật chất hóa một cách tầm thường mới khiến mọi người than thở nhiều đến vậy.
Mừng tuổi tết là gì? Là chỉ cần một chút tiền đựng trong phong bao đỏ với ý nghĩa mong người nhận gặp nhiều may mắn. Còn nhớ ngày tôi còn bé, ông nội thường mừng anh em tôi những đồng xu có khi toàn tiền cổ. Nhưng thật sự đứa nào cũng háo hức vô cùng, đem ra khoe với nhau rồi lấy để làm trò chơi. Sau đó lại mang về nhà giữ cẩn thận như người lớn giữ vàng vậy.
Ngày đó tiền mừng tuổi với trẻ con là niềm vui, sự háo hức thực sự. Còn nghĩ thời bây giờ mà chán nản, tết đi đến đâu cũng gặp cảnh trẻ con xé bao lì xì vứt toẹt đi. Với chúng cái thứ bao màu đỏ sặc sỡ đó đã không quan trọng bằng thứ đựng bên trong. Tôi đến nhiều nhà còn chứng kiến cảnh trẻ con đòi tiền mừng tuổi hoặc tỏ thái độ ngay trước mặt khách khi không vừa ý với số tiền nhận được.
Trẻ con đã vậy, đến người lớn cũng biến tục lệ mang ý nghĩa tốt đẹp này thành gánh nặng cho mình. Muốn được tiếng oai, sợ họ hàng dè bỉu nên cứ tự mình tăng dần số tiền mừng tuổi theo mỗi năm, coi tiền mừng tuổi như giá trị hàng hóa vậy.
Ảnh minh họa. |
Bản thân tôi, dù có công việc trên cả tốt, có địa vị xã hội nhưng tôi chưa một lần nào a dua theo thiên hạ. Tiền lương dù có tăng theo cấp số nhân thì tiền mừng tuổi của tôi vẫn giữ nguyên giá trị duy nhất, nếu có tăng cũng chỉ một chút gọi là.
Các cháu chắt họ hàng cả bên nội lẫn bên ngoại nhà tôi rất đông, nhưng với đứa nào tôi cũng chỉ mừng hai tờ mười nghìn màu đỏ. Mấy năm về trước còn mừng có 5 nghìn và 10 nghìn đồng thôi. Tôi biết người ta dèm pha sau lưng tôi nhiều lắm, nào là giàu mà kiệt sỉn…thế nọ thế kia. Nhưng đến khi nhà họ có công có việc, tôi sẵn sàng giúp đỡ kể cả hàng trăm triệu. Dần dần họ tự hiểu tôi không phải một kẻ như thế.
Tôi cũng nói thẳng với anh em họ hàng của mình, rằng mình là người lớn thì phải gương mẫu. Những cái gì nó thuộc về truyền thống thì hãy cố giữ cho nó tốt đẹp để con cháu còn học theo. Tiền mừng tuổi ngày tết nhiều hay ít nó không thể hiện mình là người như thế nào, cũng như tôi lì xì ít nhưng không có nghĩa là tôi kiệt sỉn. Quan trọng là những ngày thường chúng ta đối xử quan tâm nhau như thế nào, còn việc người lớn quá coi trọng chuyện tiền nong mừng tuổi thì chỉ khiến làm hư bọn trẻ con mà thôi.
Cũng may tôi là người có tiếng nói trong họ, mọi người nhà tôi ai nấy nghe cũng đều gật gù cho là phải. Thế nên không cần biết thiên hạ chạy đua nhau tiền mừng tuổi nhiều ít thế nào, họ nhà tôi vẫn giữ nguyên được nét văn hóa truyền thống của tục lì xì ngày tết. Trẻ con nhận được phong bao chúng không bao giờ bóc ra luôn, mà cứ cầm trên tay ngắm nghía, tỏ vẻ rất thích thú.
Tiện đây nói chuyện mấy bạn hay kêu ca, các bạn đừng quan tâm người khác nói gì hay nghĩ gì. Mình nghĩ sao thì hãy cứ làm vậy. Ai chê ai cười các bạn, kể cả bố mẹ chồng, cứ bảo thẳng họ “là đồ mất gốc”, về tìm hiểu lại xem tục mừng tuổi nó có ý nghĩa gì. Không thì cho họ xem bài chia sẻ của tôi và bảo với họ rằng, đến lương 50 triệu mà người ta vẫn còn mừng tuổi có 20 ngàn đấy.
Mạnh Kiên (Thái Nguyên)